Tạm đình chỉ khai thác cát trên sông Hồng, sông Lô

08/04/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nội dung văn bản yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên hai tuyến sông nói trên tạm dừng khai thác từ 7 giờ 30 phút ngày 28-3 và khẳng định mọi hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên hai tuyến sông Lô và sông Hồng thuộc địa bản tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra sau thời điểm này là khai thác khoáng sản trái phép.

– Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản về việc tạm dừng khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô và sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh.

>>>Báo động ô nhiễm môi trường từ các làng nghề nông thôn ở Nghệ An

>>>Hiện trạng công tác quan trắc xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản chỉ đạo các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, công an, thanh tra tỉnh tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tạm dừng khai thác cát, sỏi trên tuyến sông; tổ chức lực lượng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp khai thác trái phép theo đúng quy định pháp luật.

Hoạt động khai thác cát trên Sông Lô

Trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo rất quyết liệt trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là đối với khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Hồng và sông Lô. Nhiều chỉ thị, quyết định quy định về tăng cường công tác quản lý nhà nước; trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác khoáng sản được ban hành. Từ tháng 10-2015 đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa xem xét cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với cát sỏi và dừng gia hạn giấy phép đối với các doanh nghệp khai thác cát, sỏi đã được cấp phép.

Hiện, trên tuyến sông Lô, từ năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho 10 doanh nghiệp hoạt động với thời hạn từ bốn đến 10 năm, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo dừng khai thác đối với ba đơn vị: Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, Công Ty TNHH An Viên, Công ty Cổ phần Đầu tư Thái An và có bốn công ty xin dừng khai thác trong hai năm 2017 và 2018.

Trên tuyến sông Hồng, UBND tỉnh cấp phép cho sáu đơn vị, thời hạn từ năm năm đến 12 năm, trong đó đã có bốn công ty tỉnh đã có văn bản chỉ đạo dừng khai thác từ năm 2015 và 2018, là Công ty TNHH MTV Sáng Sơn, Công ty Cổ phần TMS Khoáng sản và VLXD, Công ty TNHH An Viên và Chi nhánh Công ty Cát Vàng tại Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ, TP Hà Nội xây dựng và ký ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang nghiên cứu phối hợp các cơ quan chức năng để hoàn thiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên.

Trước đó, năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc đã khoanh định 1.676 danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích khu vực cấm là 37.292,77 ha. Mục tiêu nhằm bảo đảm khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; làm cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững.

Về khu vực cấm cụ thể thì liên quan an ninh, quốc phòng có 163 khu vực, với diện tích cấm là 19.698,758 ha; liên quan di tích lịch sử – văn hóa, cơ sở tôn giáo, di chỉ khảo cổ có 1.144 khu vực, diện tích cấm dành cho di tích lịch sử, văn hóa tôn giáo là 343,72 ha, diện tích cấm dành cho khảo cổ là 1,556 ha.

Quyết định nêu rõ, trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tuyệt đối không được phép hoạt động thăm dò, khai thác. Số liệu khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản công bố là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công trình quốc phòng, an ninh, công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện…

Và mới đây, ngày 5-3, UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh với mục tiêu Bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, khu vực đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh; Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật;

Vĩnh Phúc tạm dừng hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông Hồng và sông Lô

Xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; Phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp, bảo vệ tốt tiềm năng khoáng sản cả trước mắt và lâu dài nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và quốc gia.

Liên quan đến việc khai thác cát trên sông Lô và sông Hồng, mặc dù tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản tạm dừng tại một số điểm mỏ, cũng như văn bản tạm dừng khai thác trên hai tuyến sông Lô và sông Hồng mới đây, nhưng trong thời gian qua và sau khi văn bản tạm dừng ban hành thì tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra thường xuyên, gây sạt lở đất và ảnh hưởng đến đê, kè, tác động xấu đến môi trường, đời sống của nhiều bà con nhân dân trên hai tuyến sông Lô và sông Hồng.

Minh Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm đình chỉ khai thác cát trên sông Hồng, sông Lô