– Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng đưa ra bốn nhận xét về du lịch Huế: độc đáo không nơi nào có được, các nơi khác cũng có nhưng không bằng Huế, đã được quốc tế công nhận và còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá.
Hoàng Thành Huế thu hút du khách đến khám phá
Độc đáo không nơi nào có được!
Có người từng nói: “Đến Huế thì hãy làm vua”. Du khách đến tham quan Đại Nội hầu như ai cũng dành thời gian để choàng áo hoàng bào, mũ miện, ngồi chễm chệ trên ngai vàng và chụp vài kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Sau khi chụp ảnh xong, tại Duyệt Thị Đường, du khách cũng có dịp thưởng thức các buổi biểu diễn Nhã nhạc cung đình, một thú vui chỉ dành cho tầng lớp vua chúa tại xứ Huế ngày xưa.
Nếu đã thỏa thích ước muốn “làm vua”, du khách hãy thử “vi hành” trong chốn nhân gian đến tự tìm hiểu cái lạ của Huế. Chẳng hạn, nếu du khách có dịp đến “thành phố lăng mộ” thì chắc hẳn sẽ xuýt xao, trần trồ kinh ngạc. “Thành phố lăng mộ” chính là nghĩa địa làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), được xem là nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam với những ngôi mộ có giá từ hàng trăm triệu cho đến vài tỷ đồng. Bên cạnh đó, du khách cũng không thể không đến thăm khu lăng mộ thái giám ở chùa Từ Hiếu, được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam.
Các nơi khác cũng có nhưng không bằng Huế!
Huế là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng nên vẫn còn lưu giữ những kiến trúc cổ và những nét văn hóa truyền thống độc đáo, có thể nói là không địa phương nào sánh kịp. Chẳng hạn, du khách muốn thưởng thức “hồn xưa nét Huế” xin hãy đến làng cổ Phước Tích. Ngôi làng cổ này đã hơn 500 năm tuổi, được đánh giá là ngôi làng vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê cổ Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có thêm làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) nằm vào thể loại này nhưng đã được phản ánh là đã bị đô thị hóa một phần. Bên cạnh đó, Huế có đến hai khu phố cổ là Bao Vinh và Gia Hội. Đối với phố cổ Gia Hội, đây là cả một hệ thống nhà cổ, nhà vườn, chùa chiền, phủ đệ… đặc trưng của người Huế xưa. Còn đối với khu phố cổ Bao Vinh, nơi đây từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất xứ Huế, có phần sầm uất hơn cả Hội An của Quảng Nam.
Đối với những du khách ưa thích du lịch sinh thái thì Huế có khu đầm phá Tam Giang và Vườn Quốc gia Bạch Mã đáp ứng niềm đam mê này một cách tuyệt vời. Khu đầm phá Tam Giang, chạy dọc duyên hải Thừa Thiên – Huế dài 70 km, diện tích hơn 248 km2 được đánh giá là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Còn Vườn Quốc gia Bạch Mã thì vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Đặc biệt, các chuyên gia nước ngoài đánh giá Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất trong những nơi nghỉ ở vùng núi Đông Dương.
Đối với du khách đam mê các chứng tích lịch sử hiện đại xin hãy một lần ghé vào Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên – Huế. Ở tại nơi đây, du khách sẽ hiểu thêm lịch sử hào hùng của đất và người xứ Huế, biết được nguyên nhân vì sao thành phố Huế lại được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu 8 chữ vàng “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Bên cạnh đó, du khách cũng hãy dành thời gian ghé vào ngôi trường Quốc học được thành lập từ năm 1896. Đây từng là nơi học tập của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng – Nhà nước, nhiều nhà khoa học, văn hóa, giáo dục lỗi lạc như Hồ Chủ tịch, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà thơ Tố Hữu…
Còn với những du khách đến Huế để tìm lại sự yên tĩnh, đã có “đặc sản” mưa Huế, như nhà thơ Nguyễn Bính đã lột tả: Trời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày. Bởi theo thống kế, Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất, trung bình là 2.700 mm, số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Và với vị thế là “kinh đô” Phật giáo Việt Nam, những ngôi chùa Huế sẽ giúp cho du khách ổn định lại tinh thần, khơi gợi lại niềm tin trong một không gian tối linh thiêng.
Đã được quốc tế công nhận
Ngoài vinh dự là địa phương có đến hai Di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế), mới đây, Huế cũng là địa phương có đến 3 điểm du lịch được đề cử trong “Hành trình tìm kiếm và quảng bá điểm đến hấp dẫn Việt Nam” của Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam và Trung tâm Sách TopVietNam năm 2012. Đó là, chùa Thiên Mụ, top 10 điểm du lịch tâm linh thu hút du khách nhiều nhất); biển Lăng Cô, top 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam; đèo Hải Vân, top 5 ngọn đèo nổi tiếng nhất Việt Nam. Trước đó, vào năm 2009, vịnh Lăng Cô đã được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) bình chọn là “Vịnh đẹp của thế giới”.
Đối với lĩnh vực ẩm thực, bún bò Huế là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012. Bên cạnh đó, cố đô Huế cũng có đến 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012) như bún bò Huế, cơm hến Huế, bánh bèo Huế, bánh bột lọc nhân tôm Huế, thanh trà Huế, mè xửng Huế, chè hạt sen Huế, ruốc Huế, tôm chua Huế và tré Huế.
Cơm hến Huế nổi tiếng cả nước.
Nhiều bí ẩn đang chờ khám phá…
Việc phục hồi các công trình kiến trúc cung đình không những đã tạo nên không gian, diện mạo xưa cho Huế mà còn góp phần vào việc tạo nên một nét mới cho ngành du lịch vùng đất cố đô. Đầu tiên, ngay cả người dân ở Huế cũng ít ai biết rằng có một sân quần vợt nằm trong Tử Cấm Thành. Sân quần vợt nằm trong khu vực đất trống ở phía Tây Bắc của Tử Cấm Thành, thông với điện Kiến Trung, nơi vua Bảo Đại từng ở. Năm 2008, việc trùng tu tôn tạo thành công sân quần vợt này đã góp phần tăng sức hấp dẫn của khu vực Đại nội. Đây là một địa điểm du khách, thương gia, chính khách trong nước và quốc tế thường đến để giải trí khi thăm khu vực Hoàng thành Huế. Bên cạnh đó, Thiệu Phương, khu vườn ngự nổi tiếng, được vua Thiệu Trị xếp vào “cung trung thập cảnh” (mười cảnh đẹp nhất trong cung cấm) và “thần kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh đất thần kinh) cũng đã được phục dựng. Khu vườn ngự uyển này đã trở thành một bộ phận trong chương trình “Khám phá bí mật vườn thượng uyển” phục vụ khách du lịch từ kỳ Festival 2010. Mặt khác, hiện nay Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã bắt tay vào việc phục hồi di tích Quan Tượng Đài – đài thiên văn của triều Nguyễn, cũng là đài thiên văn cổ duy nhất còn lại ở Việt Nam. Công trình được phục dựng sẽ tạo thêm một điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa khi đến với Huế.
Một điểm nhấn nữa là nhiều lễ hội cung đình đặc sắc cũng đã được tái hiện, tạo nên linh hồn cho Quần thể di tích cố đô Huế, khiến du khách thập phương ngày càng biết đến văn hóa – lịch sử vùng đất cố đô. Chẳng hạn, Đêm Hoàng Cung, tái hiện một số khía cạnh của đời sống cung đình nhà Nguyễn như Đại nhạc tiệc, hoạt cảnh rước “Công chúa về dinh”, “Ký ức cung nữ… cũng đã được đưa vào chương trình phục vụ khách du lịch tại các kỳ Festival Huế.
(Theo Môi trường và Cuộc sống)