Nhân dịp Ngày Nước thế giới 22/3/2024, phóng viên của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2024 nhấn mạnh về “Nước cho hòa Bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Ông có thể nói rõ những nội dung chính và ý nghĩa của chủ đề năm nay?
Ông Vũ Minh Lý: Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 3 -14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993 và mỗi năm có một chủ đề nhằm quản lý nguồn nước một cách tiết kiệm nhất có thể.
Ngày Nước thế giới 22/3/2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, các quốc gia phải đoàn kết, cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, cân bằng lợi ích từ nước đối với các quốc gia sử dụng chung nguồn nước dó đó nó là động lực ổn định, là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững và là “Nước cho hòa bình”.
Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.
Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Nước thế giới năm 2024:
- Nước - Cầu nối tới hòa bình và thịnh vượng.
- Hợp tác vì nước, duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định xã hội.
- Quản lý nước công bằng và bền vững góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
- Cân bằng nhu cầu về nước là thước đo của sự phát triển.
- An ninh nguồn nước là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia.
- Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống chúng ta.
- Nếu tất cả chúng ta cùng chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước.
PV: Xin ông cho biết, quản lý tài nguyên nước đảm bảo sự hài hòa lợi ích và phát triển bền vững, công bằng nguồn nước giữa các ngành là một trong những nguyên tắc mà Luật Tài nguyên nước 2023 nhấn mạnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự gia tăng sử dụng nước của các ngành và vấn đề cạnh tranh sử dụng tài nguyên nước?
Ông Vũ Minh Lý: Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông, hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước, hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Và cụ thể tại 10 điểm mới quy định về: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; Điều hoà, phân phối tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước và Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Trong các điểm mới đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”; và quy định chính sách của Nhà nước, trong đó có “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.
PV: Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Xin ông cho biết, Bộ TN&MT đang thực hiện hợp tác quốc tế như thế nào trong lĩnh vực tài nguyên nước?
Ông Vũ Minh Lý: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) nhưng vẫn chưa có hiệu lực (vì chưa có đủ 35 thành viên) chính thức có hiệu lực thi hành từ Quý III năm 2014. Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế. Vì vậy, việc gia nhập Công ước tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương với các quốc gia có chung nguồn nước về hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong điều kiện Việt Nam phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
Những năm gần đây, công tác hợp tác quốc tế của lĩnh vực tài nguyên nước đã được triển khai mạnh mẽ. Các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, các quy định về hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng nguồn nước bền vững, hiệu quả. Từ năm 2022 đến nay, công tác hợp tác quốc tế của lĩnh vực tài nguyên nước tập trung vào những hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi; đã tích cực trao đổi hợp tác và nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật và ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển như Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan phát triển Ý (AICS), Viện Khoa học, Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)...
Mặt khác, nhiều dự án hợp tác quốc tế về tài nguyên nước được các đơn vị thúc đẩy triển khai thực hiện như: Hợp tác kỹ thuật với Hà Lan về vấn đề trữ nước ở đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ thực hiện Ý định thư kí kết với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan; thúc đẩy trao đổi các hoạt động trong các biên bản ghi nhớ đã kí kết về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý tổng hợp và bền vững thủy lợi và tài nguyên nước với Viện Thủy lợi Quốc gia CuBa; đẩy mạnh hợp tác cùng Trường đại học Gent, Vương quốc Bỉ trong nghiên cứu về tài nguyên nước, giám sát và cảnh báo sớm hạn; xây dựng Biên bản ghi nhớ với đối tác Ấn Độ về dự định hợp tác trong chuyển giao, trao đổi công nghệ về quản lý tài nguyên nước; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn DHI Đan Mạch về quản lý và công nghệ tài nguyên nước; nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước” do AFD tài trợ; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình do Chính phủ Italia tài trợ...
PV: Để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Ông Vũ Minh Lý: Trong tháng ba có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Để hưởng ứng các hoạt động này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phát động và trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với chủ đề.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị phối hợp với các cơ quan có liên quan, trình Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, trong đó có kèm theo các tài liệu tuyên truyền như pano, khẩu hiệu, thông điệp,...
Đồng thời Bộ khuyến khích các đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức tuyên truyền trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về tầm quan trọng của tài nguyên nước, thời tiết, khí hậu, khai thác sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo sớm, dự báo tác động, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Bộ giao cho các đơn vị liên quan tập trung, chú trọng triển khai thực hiện để sớm đưa Luật vào thực tiễn.
Vừa qua, ngày 15/3, tại Hà Nội, Hội thảo Quốc tế VACI 2024 được tổ chức với chủ đề “Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước: Khoa học, chính sách và thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan trực thuộc, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm hiện nay về các giải pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp với Luật Tài nguyên nước mới ban hành của Việt Nam.
Đặc biệt, Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được tổ chức vào ngà 22/3/2024 với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và các đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức quốc tế; các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan thông tấn báo chí và cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài ra còn có rất nhiều điểm cầu trực tuyến ở các Bộ, Ban ngành, Đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham dự trực tuyến. Qua đó, tạo được phong trào hưởng ứng sôi nổi tại các địa phương trên cả nước, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Nước thế giới 2024, trong 02 ngày 21-22/3, triển lãm tranh, ảnh về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu được trưng bày được trưng bày tại địa điểm tổ chức Lễ phát động. Triển lãm trưng bày hơn 100 bức tranh, ảnh về mối quan hệ giữa nước và phát triển bền vững, với mục đích nhằm giúp người xem thấy được giá trị và tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển bền vững đất nước, nâng cao ý thức bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước. Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày các bức ảnh giới thiệu về hình ảnh lãnh đạo Đảng - Nhà nước trong các diễn đàn đối thoại quốc tế về vấn đề tài nguyên nước, các hình ảnh về mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong nội bộ, hành động vì khí hậu góp phần thực hiện hành trình hợp tác và đổi mới, vượt qua những thách thức và đạt được tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, thịnh vượng, bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!