Nhu cầu ngày càng tăng đối với động vật hoang dã quý hiếm, được bảo vệ và có nguy cơ tuyệt chủng đã khiến thị trường bất hợp pháp toàn cầu tăng mạnh với trị giá ước tính hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Khoảng 90% thương mại quốc tế và 72% - 90% lượng động vật hoang dã bất hợp pháp được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, việc phát hiện và ngăn chặn các vụ vận chuyển động vật hoang dã tại các cảng biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong đấu tranh phòng chống loại hình tội phạm này.
Năm 2019, Hải quan Việt Nam đã bắt giữ vụ vận chuyển ngà voi lớn nhất thế giới, thu giữ hơn 9 tấn tang vật tại cảng Đà Nẵng, tương đương với hơn 1.000 cá thể voi đã bị giết hại. Vụ bắt giữ này đã nâng tổng số lượng ngà voi bị bắt giữ tại Việt Nam lên tới hơn 70 tấn kể từ năm 2004.
Bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường (USAID Việt Nam) nhấn mạnh: “Chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã là ưu tiên toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ trong khu vực và quốc tế. USAID hỗ trợ hợp tác liên ngành, hợp tác xuyên biên giới và cải cách chính sách cũng như hoạt động thực thi để ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã xuyên quốc gia”.
Các bên tham dự đã được cung cấp thông tin về quy trình kiểm tra và soi chiếu hàng hóa trên biển của Hải quan, để kiểm soát và phát hiện buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, trong đó có Chương trình Kiểm soát Container Hải quan. Bên cạnh đó, các biện pháp can thiệp bằng công nghệ bao gồm các cải tiến tia X do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và USAID hỗ trợ, nhằm tăng tỷ lệ phát hiện và các hướng dẫn mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế cũng được giới thiệu tới những người tham dự.
Đồng thời, các ví dụ điển hình về hoạt động phối hợp, hợp tác liên cơ quan, liên ngành và quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, các cơ hội và xu hướng mới nhất về lĩnh vực tội phạm xuyên quốc gia này cũng được nhấn mạnh tại hội thảo.
Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp cho biết: “Buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là tội phạm xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Chúng tôi tập trung vào việc nâng cao năng lực và hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam, bao gồm Hải quan và cảng vụ, để điều phối, có trách nhiệm và hiệu quả các hiệp ước quốc tế.”