Bộ Công an cho biết từ ngày 01/01, nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước đồng loạt ra quân cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Đến nay, hơn 10 triệu người dân đã được hoàn thiện thủ tục cấp mẫu giấy tờ tùy thân loại mới.
Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ CCCD.
Theo Bộ Công an, mục tiêu Bộ đặt ra là sau khi khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, từ nay tới 1.7.2021 sẽ cấp được 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử. Con số này căn cứ vào việc một bộ phận người dân chưa đến tuổi cấp; một bộ phận hiện đang dùng chứng minh thư, căn cước công dân cũ, còn hiệu lực, vẫn được tiếp tục sử dụng. Riêng 10 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh, một nửa số dân cư trú ở các nơi này phải được cấp căn cước mới trước 30/4.
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho hơn 500.000 người trên toàn thành phố. Còn Công an TP.HCM nhận gần 129.000 hồ sơ cấp đổi CCCD mới cho người dân.
Tại Bình Dương, với mục tiêu hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) cho tất cả người dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn trước ngày 1-7-2021, Công an tỉnh Bình Dương đã tập trung tối đa mọi nguồn lực hiện có, kể cả việc “tăng ca” làm đêm cho kịp tiến độ.
Khu vực miền Trung, một số tỉnh cấp CCCD gắn chip lưu động nên có hiệu quả cao. Điển hình như tại Nghệ An, cảnh sát làm việc liên tục trong ngày từ 7h30 đến 22h, trung bình cấp cho hơn 500 người mỗi ngày.
Ở 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, Bộ Công an đánh giá đây là khu vực rộng, đông người dân tộc thiểu số sinh sống và có địa hình đi lại khó khăn. Tuy nhiên, công an 5 địa phương đã đẩy nhanh việc cấp thẻ CCCD gắn chip từ 1/1.
Theo Bộ Công an, đối tượng được ưu tiên cấp CCCD gắn chip gồm: Công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp CMND 9 hay 12 số hoặc CCCD mã vạch; công dân được cấp 2 loại giấy tờ này nhưng bị hỏng, mờ nhòe, rách nát không sử dụng; CMND, CCCD mã vạch hết hạn sử dụng; công dân có giấy tờ tùy thân nhưng bị mất hoặc giấy tờ có thay đổi thông tin cá nhân. Người dân đến làm việc chỉ cung cấp danh tính, không cần viết tờ khai như trước. Quá trình làm thẻ CCCD gắn chip không quá 10 phút.
Theo Thông tư số 112/2020 của Bộ Tài chính, từ 01/01 đến hết ngày 30/6, người dân chuyển từ CMND hay CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip thì lệ phí được giảm từ 30.000 đồng/thẻ còn 15.000 đồng.
Công dân đổi giấy tờ tùy thân bị hư hỏng, thay đổi thông tin cá nhân sang căn cước mới thì lệ phí giảm từ 50.000 đồng/thẻ còn 25.000 đồng. Nếu cấp lại căn cước do bị mất thì lệ phí 70.000 đồng/thẻ giảm còn 35.000 đồng. Từ ngày 1/7, mức lệ phí cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân được thu theo mức thông thường, không còn giảm 50%.
Châu Anh