Tạo đột phá để TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn

Hùng Thắng|12/02/2021 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TP. Hồ Chí Minh xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ mới (2020-2025) là tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Để thực hiện mục tiêu này trong điều kiện còn nhiều thách thức, tập thể lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ tới tự tin sẽ tạo ra những chương trình, cơ chế chính sách mang tính đột phá để phát triển mạnh hơn.

Trong giai đoạn 2016-2020, với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén; với truyền thống năng động sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, luôn dựa vào nhân dân, nhờ lòng dân và sức dân để nắm bắt cơ hội cùng đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức, Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành tựu về kinh tế và ngày càng khẳng định vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế của đất nước.

Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 theo hướng đa trung tâm

Tăng trưởng kinh tế khởi sắc qua những con số

Suốt 5 năm qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thị trường được mở rộng quy mô, đổi mới phương thức giao dịch, hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế thành phố. Cụ thể: 1) Thị trường thương mại, dịch vụ đạt quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng khá; từng bước hình thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển của thương mại điện tử đang là xu thế quan trọng trong các năm gần đây. 2) Thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vốn giữ vững vai trò là trung tâm tài chính, tiền tệ của cả nước. Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2019 gấp hơn 1,4 lần so với giai đoạn 2011 – 2015, tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân… Đồng thời, xúc tiến xây dựng Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. 3) Thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. 4) Thị trường khoa học và công nghệ Thành phố tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. 5) Thị trường lao động Thành phố tiếp tục phát triển; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Trong khi đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của Thành phố. Cụ thể là các nguồn lực về đất đai, nguồn nhân lực lao động, nguồn lực vốn đầu tư toàn xã hội, hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao.

Một trong những kết quả đạt được đáng ghi nhận chính là Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt việc hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ và các tỉnh, thành phố khác. Với vị thế và có vai trò rất quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã triển khai liên kết về cung cầu hàng hóa, phát triển giao thông, du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Theo đó, các doanh nghiệp Thành phố đã đầu tư và góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân ở các địa phương và giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu Đông TP.Hồ Chí Minh là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông

Nhờ đó mà kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 – 2019 tăng bình quân là 7,72% (ước giai đoạn 2016 – 2020 tăng bình quân 6,41%); tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ, thể hiện qua cả 3 chỉ số: 1) Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm; 2) Năng suất lao động bình quân của Thành phố cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước; 3) Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên. GRDP đầu người tăng liên tục qua các năm, bình quân gấp 2,4 lần so với cả nước.

Những thách thức trong giai đoạn mới

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được cùng những lợi thế, thành phố cũng còn không ít những tồn tại như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ dẫn đến chưa giải quyết được tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM chưa đạt kế hoạch đề ra, từ đó dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ chưa đạt chỉ tiêu 8-8,5%/năm…

Nói về những thách thức này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TPHCM là địa phương có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn trong GRDP. Trong khi đó, các nước Âu, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3 dịch COVID-19. Sự phục hồi của các nền kinh tế thế giới còn chậm, nhanh nhất là phải hết năm 2021. Từ đó có thể thấy tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế TPHCM thời gian tới…

Tân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khi chia sẻ tại buổi họp báo ngày 18/10/2020 cũng xác nhận rằng: “…Tất cả đều là những công việc cực kỳ quan trọng để làm sao phát triển xứng đáng với vị trí, tầm vóc, vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ thành phố mang tên Bác. Tôi không nghĩ đây là áp lực, mà là thử thách lớn”.

Đột phá để phát triển mạnh hơn

Mặc dù thách thức đặt ra cho tập thể lãnh đạo nhiệm kỳ mới khá nặng nề, song tân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khi nhận nhiệm vụ ngày 18/10/2020, khẳng định: “Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI sẽ khắc phục hạn chế, khuyết điểm, yếu kém; vận động mạnh mẽ các nguồn lực, kiên quyết tháo gỡ những vướng mắc tồn tại, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đi vào cuộc sống, hiệu quả cao nhất”.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã xây dựng và sẽ tập trung thực hiện cho được 4 chương đột phá gồm: Đột phá đổi mới quản lý; đột phá phát triển hạ tầng; đột phá phát triển nhân lực và văn hóa; đột phá phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM.

Với những giải pháp, chương trình nhiệm kỳ mới đề ra cùng với những tiền đề mà TPHCM đã và đang thực hiện (Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Quốc hội thông qua; đề án Chính quyền đô thị sắp được Quốc hội thông qua tới đây; Đề án hình thành một khu đô thị sáng tạo tương tác cao là Thành phố Thủ Đức đang trình Quốc hội; đang hoàn chỉnh đề án Trung tâm tài chính quốc tế, đề xuất tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố…), tập thể lãnh đạo nhiệm kỳ mới hy vọng sẽ sớm hình thành hệ thống cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới. Bởi lâu nay, TPHCM được xem là một địa phương năng động nhất cả nước, không thiếu tiền và nguồn lực, mà chỉ thiếu cơ chế chính sách phù hợp.

Hùng Thắng

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá để TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn