Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức "về nguồn" tại Ba Vì

Lương Nguyễn - Thu Hà|24/02/2023 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong không khí vui xuân, Ban biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã tổ chức chương trình về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên tại một số điểm di tích lịch sử và du lịch tâm linh của huyện Ba Vì.

Đây là hoạt động thiết thực để nhắc nhở mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tri ân các anh hùng lịch sử và thêm trân trọng, tự hào về nền độc lập, tự do mà chúng ta đang có. Mỗi điểm dừng chân, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy thích thú khi được lĩnh hội những thông tin về văn hóa, lịch sử  ý nghĩa, cảm nhận được không gian trang nghiêm, linh thiêng, thời tiết ấm áp, không khí trong lành, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

K9 Đá Chông – Khu di tích lịch sử gắn với sự nghiệp Cách mạng của Bác

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích K9 - Đá Chông. Đây là nơi in dấu một giai đoạn sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng năm lãnh đạo đất nước từ 1958 đến 1969, là một trong những nơi Bác đã chọn để viết bản Di chúc lịch sử, nơi mà giờ đây đã trở thành một địa danh lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ.

ba-vi-1(1).jpg
ba-vi-2.jpg
ba-vi-4.jpg
Đoàn Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tại Khu di tích K9 – Đá Chông, huyện Ba Vì

Tại khu di tích, Đoàn của Tạp chí đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm. Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân dân.

Sau lễ dâng hương, đoàn đã tham quan, nghe hướng dẫn viên tái hiện những dấu mốc lịch sử quan trọng của Khu di tích K9 qua từng tên gọi khác nhau gắn với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Có mặt tại đây từ sáng sớm, thắp nén nhang thơm thấy ấm áp lạ kỳ, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy khung cảnh nơi đây thật yên bình. Ngay từ sớm, các cán bộ, chiến sĩ đều thực hiện vệ sinh khuôn viên trong khu di tích. Hà Nội của những ngày cây thay lá nên việc dùng máy thổi lá để thu gom lá khô được thực hiện liên tục và thường xuyên trong ngày. Các chiến sĩ trẻ mỗi người một việc, người tưới cây, tỉa cành nhằm đảm bảo cho khuôn viên của Khu di tích K9 xanh tươi, mát lành.

Cụm di tích đền Hạ, đền Trung và đền Thượng

Là những nơi thờ tự các vị thần, thánh, các đền thờ mà đoàn ghé thăm đều rất khang trang, sạch đẹp và linh thiêng. Dù đón lượng lớn du khách thập phương về làm lễ dâng hương và vãn cảnh nhưng cảnh quan các ngôi đền đều rất khang trang. Các ngôi đền đều có khu chuẩn bị lễ cúng nên việc vào lễ theo tuần tự, tôn nghiêm. Đặc biệt, rác, túi nilon... đều được bỏ đúng nơi quy định. Khiến cho mỗi người khi đến đây ai cũng nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp.

ba-vi(2).jpg
Khuôn viên đền Trung luôn được quét dọn và đảm bảo vệ sinh sạch đẹp

Thầy Võ Tùng Lâm, Phó trưởng ban quản lý di tích - thủ nhang đền Hạ, đền Trung - Ba Vì - Hà Nội cho biết: Việc dọn vệ sinh, quét dọn khu vực xung quanh đền được duy trì hàng ngày. Mỗi đoàn người đến lễ tại đền đều được hướng dẫn bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng nước tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh  chung. Đặc biệt những ngày thời tiết mưa gió, nồm ẩm thì công tác bảo vệ môi trường tại đền Trung càng được quan tâm hơn, vừa là để giữ cho không gian, cảnh quan nơi đây được thoáng đãng, du khách về đây cũng thoải mái, thanh tịnh trước khi vào lễ.

Linh thiêng nơi núi tổ Ba Vì

Về thăm đền thờ Bác dưới tiết trời lắc rắc mưa phùn, mây giăng kín và không khínồm  ẩm đặc trưng của tháng Giêng, “đội quân” của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã đi qua 12km đường núi Ba Vì và 1.199 bậc thang (tương đương khoảng 1,2km) để lên với đỉnh Vua thuộc ngọn núi Tản Viên thiêng liêng, lịch sử, nơi có Đền thờ Bác.

Núi Ba Vì là nơi núi thiêng gắn với huyền thoại về Thánh Tản Viên Sơn hay còn được biết là Sơn Tinh (truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh). Theo tín ngưỡng của người Việt, trong số bốn hình tượng mà nhân dân tôn làm Tứ Bất Tử, Thánh Tản Viên Sơn tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt Nam.

Mặc cho đường ướt có phần trơn trượt, ai nấy đều tập trung vượt qua từng bậc đá một cách nhanh nhất với tâm niệm sẽ sớm được vào viếng Bác tại ngôi đền thờ trên đỉnh núi thiêng. Càng lên gần đến nơi, trời càng lúc càng quang đãng, cả đoàn được tiếp đón bởi đồng chí các cán bộ Trạm Kiểm lâm cốt 1100, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì.

ba-vi-1-.jpg
Đoàn Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tại Đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì

Dẫn đầu đoàn là Tổng biên tập, Nhà báo Khánh Toàn cùng tập thể cán bộ phóng viên, biên tập viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã thành kính dâng hương lên Bác, cầu cho quốc thái dân an, đất nước ngày càng phát triển.

Trên đỉnh chòi giữa những cơn gió ngàn lồng lộng thổi, thả tầm mắt nhìn xa bao quát cả một vùng rừng rộng lớn, nghe tiếng suối nước chảy róc rách được dẫn từ rừng sâu, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1100 - Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì Trần Ngọc Chính chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ “thủ từ” - trông coi, hương khói, hướng dẫn du khách đến dâng hương, thăm quan ngôi đền thờ Bác, các anh còn quản lý hơn 1.000 ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Ba Vì. Vì vậy mà từng hốc đá, mỗi cây rừng ở đây được các anh thuộc như lòng bàn tay. Để giữ gìn được môi trường thiên nhiên mộc mạc, hoang sơ của rừng, đặc biệt là cỏ cây, hoa lá từ cổng đền lên đến nơi thờ Bác, các anh đã phải gửi cả vào đây tấm lòng thành kính của mình đối với Bác mới có thể làm tốt được công tác dân vận.

ba-vi-3-.jpg
Ông Nguyễn Văn Toàn - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Trần Ngọc Chính - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cốt 1100 - Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì

Chúc mừng xuân mới tại UBND huyện Ba Vì

Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là UBND huyện Ba Vì. Trong không khí xuân vui tươi, ấm áp, ông Đỗ Quang Trung, Ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chia sẻ về công tác bảo vệ môi trường của huyện thời gian qua: Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Ba Vì đã thực hiện tốt việc xây dựng các điểm thu gom rác, phát động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, nhằm bảo đảm để môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Huyện Ba Vì đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường; Tập trung tuyên truyền các các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường; Tổ chức Chiến dịch lồng ghép với phong trào và cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

ba-vi-4-.jpg
Ông Nguyễn Văn Toàn - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng ông Đỗ Quang Trung, Ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì
ba-vi-5.jpg
Đoàn Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chụp ảnh cùng lãnh đạo UBND huyện Ba Vì

Chuyến tham quan thực tế tại 5 điểm di tích lịch sử và du lịch tâm linh của Ba Vì đối với các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống thực sự là hoạt động có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn ghi sâu công lao trời biển của Bác, thiết thực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong đoàn được nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, qua đó càng thêm kính yêu, biết ơn và tự hào về Bác - vị Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức "về nguồn" tại Ba Vì
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.