Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với trách nhiệm truyền thông bảo vệ môi trường

Thu Hà|21/06/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Báo chí, truyền thông giữ một vai trò chủ lực với chức năng thông tin, giám sát và phản biện xã hội trước những hiện tượng có liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường. Cũng thông qua truyền thông mà người dân nâng cao ý thức của mình trong việc tham gia bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Nhân dịp 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Bùi Thị Thanh Hương - Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội về vai trò của báo chí, truyền thông và giáo dục trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

thanh-huong-3-.jpg
TS. Bùi Thị Thanh Hương “truyền lửa” cho sinh viên khởi nghiệp sáng tạo vì cộng đồng

PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí, truyền thông và giáo dục với công tác bảo vệ môi trường hiện nay?

TS. Bùi Thị Thanh Hương: Khi kinh tế, xã hội càng biến động, khi hệ thống chính sách mới cần vận động len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống thì báo chí truyền thông càng đóng một vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, song các điều Luật bổ sung, chỉnh sửa mới còn mới mẻ không chỉ với học sinh, người học mà còn rất mới với các thầy cô giáo. Lúc này, rất cần sự hỗ trợ của các nhà báo trong giáo dục bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ, nếu nhà giáo là người thắp ngọn đuốc thì nhà báo lại là người cầm lên ngọn đuốc đó. Ngọn lửa có lan xa, lan rộng phần lớn nhờ công của các nhà báo. Một nội dung quy định mới nếu được báo chí hỗ trợ duy trì lặp đi lặp lại nhiều lần năm này qua năm khác, thông điệp truyền thông bảo vệ môi trường sẽ trở nên thân thuộc, dễ làm, dễ nhớ cho tất cả mọi người.

Báo chí còn đóng vai trò như một công cụ giám sát của nhà nước trong việc tìm, phát hiện và phản ánh những trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Các trường học hiện nay đều ưu tiên các nguồn lực trong việc giữ gìn môi trường học đường đảm bảo trong lành, an toàn. Nếu có sự đồng hành và vào cuộc sát sao của báo chí, công cuộc giám sát, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường trong các trường học sẽ được hỗ trợ và giảm áp lực nhiều hơn.

thanh-huong-1-.jpg
TS. Bùi Thị Thanh Hương phát biểu tại Diễn đàn: "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt"do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức vào ngày 17/5/2024

PV: Thời gian qua, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình, cùng với hệ thống báo chí, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tiến sĩ đánh giá thế nào về các hoạt động tuyên truyền, truyền thông của Tạp chí trong thời gian qua?

TS. Bùi Thị Thanh Hương: Với tốc độ phát triển đa dạng về thông tin báo chí cũng như các trang báo điện tử như hiện nay, việc tìm cho mình một kênh thông tin đáng xem, đáng truy cập là vô cùng quan trọng. Với thông tin đa dạng, nhiều nội dung nghiên cứu, phân tích, bình luận, đánh giá về các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là môi trường, tài nguyên, biến đổi khí hậu, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là một trong những tờ tạp chí về môi trường có chất lượng tại Việt Nam hiện nay.

Những bài viết, nội dung đăng tải hết sức đa dạng bằng nhiều hình thức khác nhau về môi trường, tài nguyên và biến đổi khí hậu. Các bài viết giúp cho bạn đọc hiểu thêm về những tác động đó đối với cuộc sống. Chính Tạp chí là cầu nối đưa các thông tin, tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý và ứng phó biến đổi khí hậu tốt hơn.

Đặc biệt, do bám sát tôn chỉ mục đích nên các bài viết của Tạp chí đa phần là các bài chuyên sâu, luôn có sự đồng hành, chia sẻ của những chuyên gia môi trường hàng đầu tại Việt Nam. Điều này đã góp phần tạo thương hiệu, uy tín riêng cho Tạp chí. Với tư cách là người giảng viên về lĩnh vực môi trường và cũng là một độc giả, tôi đánh giá Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là kênh thông tin giá trị và đầy hữu ích cho độc giả, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường.

“Cần lắm sự hỗ trợ của các nhà báo trong giáo dục bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ, nếu nhà giáo là người thắp ngọn đuốc thì nhà báo lại là người cầm lên ngọn đuốc đó. Ngọn lửa có lan xa, lan rộng phần lớn nhờ công của các nhà báo”.

TS Bùi Thị Thanh, chuyên gia giáo dục môi trường, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

PV: Ngoài việc thông qua sản phẩm báo chí là các bài viết, thời gian qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống còn đẩy mạnh phát triển báo chí đa phương tiện với các chương trình Diễn đàn, Tọa đàm chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường. Theo Tiến sĩ, với cách làm đó Tạp chí đã bắt kịp với xu hướng phát triển chung của báo chí hiện nay và trong tương lai hay chưa?

TS. Bùi Thị Thanh Hương: Thông qua các chương trình Diễn đàn hay Tọa đàm, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã làm tốt vai trò là đơn vị truyền thông của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam. Với những thông tin rất chất lượng từ diễn giả đến nội dung, thể hiện vai trò của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam từ đó góp ý, kiến nghị chính sách kịp thời đến các cơ quan chức năng về các vấn đề nóng của môi trường, biến đổi khí hậu, nước sạch, tài nguyên khoáng sản…

Những thông tin phong phú, phản ánh đa chiều, cùng những phân tích, đánh giá sắc bén và sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia có uy tín về các vấn đề nóng hổi trên Tạp chí thời gian qua góp phần chỉ ra những mặt thành công, những hạn chế của các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường đã là cơ sở cho việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và thúc đẩy hơn nữa công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Chính sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong từng thông tin, từng bài viết đã tạo nên sự khác biệt, sự tin cậy và thu hút các độc giả, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách.

Các bài viết có tính chuyên sâu, mang tính phản biện xã hội cao; các tọa đàm, Diễn đàn đã mở ra nhiều cánh cửa để đón nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, từ đó góp phần mạnh mẽ vào công tác bảo vệ môi trường. Các bài viết truyền thông khoa học đại chúng về kiến thức bảo vệ môi trường giúp tăng thêm độ tin cậy, độ chính xác của tin tức.

Trong thời gian tới, Tạp chí cũng nên đẩy mạnh đồng hành và hỗ trợ các trường học trong lan tỏa các thông điệp, các điển hình về bảo vệ môi trường trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.

Với sự nỗ lực và chiến lược phát triển đúng đắn đang có, tôi tin tưởng rằng, Tạp chí sẽ phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, được đông đảo chuyên gia và bạn đọc theo dõi, đóng góp và lan tỏa thông tin, tri thức; góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường. Vì một Việt Nam xanh.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với trách nhiệm truyền thông bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.