Tây Nguyên khẩn cấp ứng phó cháy rừng mức độ nguy hiểm

Minh Trang (T/h)|19/03/2020 07:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều cánh rừng ở khu vực Tây Nguyên đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm trong khi dự báo cao điểm khô hạn còn kéo dài sang tháng 4/2020.

Trước cảnh báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, ngành chức năng các tỉnh trong khu vực đang gấp rút lên phương án ứng phó. Đồng thời, Cục Kiểm Lâm khuyến cáo người dân tạm dừng các hoạt động sản xuất như tỉa thưa, khai thác rừng, lấy mật ong, đốt nương rẫy để phòng, tránh cháy rừng.

Lực lượng PCCC sử dụng vòi phun nước dập đám cháy trong buổi diễn tập tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Tỉnh Đắk Lắk đang có khoảng hơn 57.000ha rừng thuộc diện có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong đó, có khoảng hơn 7.000ha rừng trồng và 33.000ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Ea Kar, Buôn Đôn…

Theo ông Đỗ Xuân Dũng – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, sẽ nghiên cứu, phân bổ cán bộ kiểm lâm đến những khu vực trọng điểm như Buôn Đôn, Ea Súp… để siết chặt công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các lực lượng vũ trang khác đóng trên địa bàn cũng sẽ bố trí quân số để sẵng sàng hỗ trợ khi có yêu cầu của UBND tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ rừng. Những cánh rừng có nguy cơ xảy ra cháy sẽ được nâng mức cảnh báo để các đơn vị liên quan chú trọng quản lý, bảo vệ.

Còn tỉnh Đăk Nông hiện có hơn 250 ngàn ha rừng, phần lớn được đưa vào phương án phòng cháy, trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy cao lên đến hơn 50 ngàn ha. Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã thành lập các ban chỉ đạo, với gần 100 tổ, đội ứng phó nhanh tại các địa phương, được trang bị phương tiện, công cụ chữa cháy, đồng thời tổ chức các buổi diễn tập phòng chống cháy rừng từ cấp tỉnh đến cấp huyện với phương châm “4 tại chỗ” nhằm xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Tại Kon Tum, để bảo vệ Vườn quốc gia Chư Mom Ray có diện tích là 56.249 ha, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã thực hiện cấp bách nhiều giải pháp để bảo vệ rừng. Xác định thời điểm dễ xảy ra cháy rừng, Ban quản lý Vườn đã chỉ đạo lập 20 chốt quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các đối tượng vào rừng khai thác lồ ô, mật ong… ; chuẩn bị tốt các điều kiện tại chỗ, lực lượng và phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.

Cũng có mặt trong danh sách tỉnh trọng điểm có nguy cơ cao, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã thẩm định kỹ thuật đối với 38 hồ sơ phương án phòng chống cháy rừng mùa khô 2019 – 2020 của các chủ rừng trên địa bàn, đồng thời đề xuất cấp kinh phí thực hiện. Đối với các chủ rừng có diện tích rừng dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… thuộc các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai và thành phố Đà Lạt cần tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, PCCR trên diện tích được giao quản lý; tổ chức, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, thường trực 24/24h để sẵn sàng xử lý khi có cháy rừng xảy ra…

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan
  • Cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
    Moitruong.net.vn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN, về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên khẩn cấp ứng phó cháy rừng mức độ nguy hiểm