Tây Ninh: Giá mía xuống thấp, nông dân trồng mía lao đao

18/12/2017 09:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Do giá đường xuống thấp nên giá mua mía của các nhà máy đường tại tỉnh Tây Ninh trong vụ thu hoạch 2017-2018 chỉ còn 900.000 đồng/tấn (10 CCS), giảm khoảng 150.000 đồng/tấn so với niên vụ trước. Điều đó đang khiến cho nông dân trồng mía vô cùng lo lắng và lao đao.

Thu hoạch mía ở xã Thành Long, huyện Châu Thành

Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà vừa thông báo chính sách thu mua mía nguyên liệu vụ thu hoạch 2017-2018 đối với vùng nguyên liệu mía tại Tây Ninh và Campuchia. Theo đó, giá mía tươi tại ruộng trên phương tiện vận chuyển được ấn định là 900.000 đồng/tấn (10 CCS). Nếu chữ đường tăng 1 CCS sẽ được tăng 90.000 đồng/tấn mía sạch; giảm 1 CCS sẽ giảm 90.000 đồng/tấn mía sạch. Mía đầu vụ được Nhà máy bao chữ đường là 8CCS trở lên. Lượng mía bị cháy được nhà máy tiếp nhận sẽ bị trừ 50.000 đồng/tấn và không bao chữ đường.

Trong bảng thông báo chính sách thu mua mía, ông Lê Huy Thành- Phó TGĐ Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà cho biết, nếu so sánh với giá thu mua mía với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung hiện nay, thì giá mía ở Tây Ninh vẫn còn cao hơn. Cụ thể, Nhà máy đường An Khê hiện đang thu mua 750.000 đồng/tấn; các Nhà máy đường Bến Tre, Bình Định, Kon Tum thu mua 800.000 đồng/tấn (10 CCS). Theo ông Thành, tất cả các nhà máy đường trong cả nước đều hạ giá thu mua nguyên liệu là do giá đường trong nước đang ở mức thấp.

Một nông dân trồng mía lâu năm ở Tây Ninh phân tích, theo giá mía của Công ty Thành Thành Công – Biên Hoà đưa ra trong vụ thu hoạch này là 900.000 đồng/tấn so với vụ thu hoạch trước thì giá mía giảm 150.000 đồng/tấn (tính cả các khoản hỗ trợ). Nếu năng suất mía vụ đầu đạt bình quân được tính cao nhất là 100 tấn/ha với chất lượng chữ đường 8 CCS, thì mỗi ha người trồng mía chỉ thu được 72 triệu đồng, trong khi chi phí tiền thuê đất, đầu tư làm đất, vật tư phân bón, chăm sóc, công đốn chặt, tăng bo… đã tiêu tốn hết 95 triệu đồng/ha, thì nông dân cầm chắc bị lỗ khoảng 23 triệu đồng/ha. Nếu cây mía vào mùa hai, chi phí đầu tư và công chăm sóc có giảm, nhưng sau khi trừ chi phí, người trồng mía cũng chỉ hoà vốn.

Đó là cách tính với điều kiện cây mía vụ đầu đạt năng suất tối đa 100 tấn/ha, vụ hai 80 tấn/ha, nhưng thực tế năm nay ở Tây Ninh điều kiện thời tiết thất thường, mưa nhiều làm cây mía bị ngập nước; cây mía ngã đổ nhiều, sinh trưởng kém; mía đầu vụ bị cháy tràn lan… cho nên năng suất cây mía bình quân trong vùng (kể cả vùng nguyên liệu bên Campuchia) ước tính chỉ đạt bình quân 65 tấn/ha, người trồng mía sẽ còn lỗ nặng hơn.

Trước tình hình sản xuất cây mía đang gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi, giá cả xuống thấp, nhiều hộ nông dân trồng mía tại các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu dự định thu hoạch xong mùa này sẽ phá mía gốc để chuyển sang trồng mì hoặc các cây trồng khác để cắt lỗ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, vụ sản xuất 2017-2018 toàn tỉnh trồng khoảng 22.400 ha mía, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các công ty, nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu với nông dân khoảng 20.520 ha (đầu tư trong tỉnh 14.246 ha, đầu tư tại Campuchia 6.274 ha). Ước khối lượng mía đưa vào sản xuất vụ này khoảng 1,4 triệu tấn, lượng đường sản xuất đạt 143.640 tấn.

Hiện các nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà đã chính thức đi vào hoạt động, mỗi ngày tổ chức thu mua, tiêu thụ khoảng trên 10.000 tấn mía cây.

Theo BTNO


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Giá mía xuống thấp, nông dân trồng mía lao đao