Tết Hàn Thực - nguồn gốc, ý nghĩa trong văn hóa Việt

Hồng Tú|20/04/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tết Hàn Thực một trong những ngày tết truyền thống diễn ra vào tháng 3 hàng năm, xuất hiện phổ biến ở khu vực miền Bắc.

Tết Hàn Thực là gì?

tethanthuc.jpg
Tết Hàn thực hay còn gọi là Tết bánh trôi, bánh chay. 

Tết Hàn Thực hay Tết bánh trôi bánh chay là một ngày Tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. Từ "Hàn Thực" có nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày Tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên Thế giới. Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay (ở Trung Quốc nấu chè trôi nước), nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.

Tết Hàn Thực năm 2023 rơi vào thứ 7 ngày 22/4 dương lịch (tức 3/3 âm lịch).

Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Hàn Thực

Ngày Tết này ở Việt Nam bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay. Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi theo phò tá vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công dành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tần, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vua, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò tá vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.

Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Vua đau lòng, thương xót nên đã lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn tưởng niệm Giới Tử Thôi.

Mâm cơm cúng ngày Tết Hàn Thực

Dù bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, nhưng Tết Hàn Thực của người Việt mang màu sắc dân tộc riêng, được lưu giữ mãi trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, người dân cũng làm bánh trôi, bánh chay cúng Thần Hoàng. Tại Việt Nam, Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.

tethanthuc11.jpg
Mâm cúng ngày Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Ảnh: Bảo Ngọc.

Mâm cỗ cúng Tết Hàn Thực cơ bản thường có: Bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc. Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.

Theo quan niệm, số lẻ là số mang lại may mắn nên số lượng bát bánh trôi và bánh chay trên mâm thường là 3 hoặc 5, tùy theo từng gia đình, số lượng bánh trôi bánh chay trong đĩa cũng cần đặt các viên bánh lẻ như 5, 7, 9,..

Ngày nay, ngoài bánh trôi truyền thống màu trắng, nhiều người còn sáng tạo thêm bánh trôi Ngũ sắc dựa theo 5 màu sắc cơ bản của thuyết Ngũ hành (xanh lá - Mộc, đỏ - Hỏa, vàng - Thổ, trắng - Kim, xanh dương - Thủy). Không chỉ dừng lại ở bánh trôi bánh chay dáng tròn trịa truyền thống, nhiều người cũng dâng cúng cả bánh trôi tạo hình hoa sen, hoa mẫu đơn và các biểu tượng may mắn.

Ý nghĩa món bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn Thực

Mặc dù nguồn gốc của ngày Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên ở Việt Nam, ngày này không phải để tưởng nhớ Tử Thôi mà có ý nghĩa dân tộc sâu sắc.

Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, dân ta cũng làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.

cach-lam-banh-troi-banh-chay-nan-banh-troi.jpg
Phần nhân bánh và vỏ bánh được ví như sự giao thoa của đất trời. 

Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình Thành viên trong gia đình sẽ tụ họp lại cùng chuẩn bị những viên bánh trôi trắng tinh khiết, cẩn thận nắn thành dáng tròn đều. Sau khi dâng lên tổ tiên, mọi người sẽ cùng với nhau thưởng thức những viên bánh trôi tròn đầy cùng với hương vị ngọt ngào, tận hưởng không khí gia đình viên mãn.

Bên cạnh đó món ăn còn thể hiện mong muốn thời tiết hòa thuận, món lạnh theo ngũ hành sẽ thuộc Kim, bánh trôi chay màu trắng cũng thuộc Kim. Bên cạnh đó hình dáng của bánh trôi tròn đều, bên trong phần nhân hình vuông, gợi lên câu tục ngữ "mẹ tròn con vuông".

Bánh chay vỏ trắng tính dương, phần nhân đậu xanh bên trong vàng tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Dùng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực thể hiện mong muốn mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.

Bài liên quan
  • Mùa nuốc trên phá Tam Giang
    Xứ Huế nói riêng mùa hè nắng nóng cháy da lại được “đầm phá” hào phóng ban tặng có một món ăn khá lạ, khá ngon lại có tác dụng “hạ nhiệt” cơ thể, đó là con nuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Hàn Thực - nguồn gốc, ý nghĩa trong văn hóa Việt