(Moitruong.net.vn) – Tối ngày 28/2 (tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch), tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (Hưng Hà, Thái Bình) đã diễn ra lễ khai hội đền Trần Thái Bình năm 2018.
Tối ngày 28/2 (tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch) chính thức khai hội Đền Trần
Theo sử sách, vùng đất Long Hưng – Ngự Thiện, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là đất phát tích và dựng nghiệp của nhà Trần ở đầu thế kỷ thứ 13. Đây là vương triều cường thịnh, với hào khí Đông A lẫy lừng, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, vùng đất Long Hưng đều được nhà Trần tin cẩn chọn làm căn cứ xây dựng hành cung Lỗ Giang và cung điện của triều đình, trở thành hậu phương vững chắc, tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo và tổ chức các đại lễ bái yết tổ tiên.
Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa, các vua đầu triều Trần: Thái Tông, Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông…
Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 31/12/2014, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội đền Trần là dịp để các tầng lớp nhân dân Thái Bình, đồng bào và du khách thập phương về thắp nén tâm nhang tưởng niệm và tỏ lòng tri ân các vua Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân quốc thích nhà Trần. Đồng thời, thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, khơi dậy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người dân đất Việt.
Trước khai mạc lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động như lễ tế mở cửa đền, lễ rước kiệu Thánh, rước nước thiêng từ sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ và lễ bái yết các vua Trần.
Lễ hội đền Trần Thái Bình sẽ diễn ra từ 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch với nhiều hoạt động phong phú như: tế nam quan, tế nữ quan, thi cỗ cá, thi cờ tướng, thi pháo đất, kéo lửa nấu cơm cần; gói bánh chưng, vật cầu, thi kéo co,…
Gia Hân (T/h)