Thái Nguyên: Giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa thải của các mỏ khái thác

Châu Anh|07/06/2021 02:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bước vào mùa mưa bão, các khu vực khai thác khoáng sản, bãi đổ thải trên địa bàn tỉnh luôn thường trực mối nguy xảy ra sạt lở đất, đá gây ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân.

Trước tình hình đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chủ mỏ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm sản xuất an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở khu vực xung quanh.

Bể chứa bùn thải của Mỏ sắt Đại Khai

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 120 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản đang hoạt động. Bên cạnh một số mỏ làm tốt công tác PCTT-TKCN thì vẫn còn có một số đơn vị chưa thực hiện hiệu quả công tác này. Đặc biệt, vẫn tồn tại một đố điểm có nguy cơ ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản như: Mỏ than của Công ty CP Yên Phước, ở các xã Phú Cường, Na Mao (Đại Từ); hồ chứa bùn thải Bàn Cờ của Mỏ sắt Tiến Bộ ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên); bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa tại xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên); Bãi đổ thải của Mỏ than Phấn Mễ ở xã Phục Linh (Đại Từ); đập Quặng Đuôi, của Mỏ sắt Trại Cau ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ)…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khu vực xung quanh.

Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 hồ, bể chứa bùn thải của các mỏ khai thác và chế biến khoáng sản. Các bể, hồ chứa bùn thải có diện tích từ 2-7ha, khả năng chứa hàng vạn khối nước và bùn thải. Vì vậy, vào đầu mùa mưa, cơ quan chức năng của tỉnh đều có văn bản đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập, bãi thải. Đồng thời, phối hợp với ngành và chính quyền địa phương đi kiểm tra một số đơn vị khai thác, chế biến có hồ chứa bùn thải, quặng đuôi. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị đều chấp hành và có phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn hồ chứa bùn thải, quặng đuôi”.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh: “Hàng năm, chúng tôi đều tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản xây dựng phương án PCTT-TCKN; trong đó, đưa ra các tình huống giả định có nguy cơ xảy ra mất an toàn và giải pháp xử lý, khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân sống ở khu vực xung quanh. Cùng với đó, trong những ngày mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các khai trường khai thác và bãi thải. Khi phát hiện phát hiện các vị trí có nguy cơ mất an toàn, yêu cầu các đơn vị phải có biện pháp xử lý, khắc phục ngay”.

Trong mùa mưa bão năm nay, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp, công tác thanh, kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những đơn vị vi phạm. Về phía chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường giám sát, vận động người dân di dời khỏi các khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, các hộ dân sống cạnh khu vực khai thác khoáng sản cũng cần chủ động theo dõi thông tin tình hình thời tiết và chủ động các biện pháp để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình.

Châu Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa thải của các mỏ khái thác