Thái Nguyên: Nước hồ Gò Miếu đổi màu bất thường, nổi váng, bốc mùi hôi tanh

Ngọc Linh (t/h)|21/05/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nước hồ Gò Miếu thường biến đổi màu và nổi váng vàng đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều người lo ngại nước hồ bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước và cuộc sống, sức khỏe của người dân sinh sống khu vực xung quanh.

Hồ Gò Miếu thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ là hồ thủy lợi có diện tích lớn nhất nhì tỉnh Thái Nguyên, đồng thời là hồ có nguồn nước trong xanh, sạch đẹp nhất ở phía sườn Tây Tam Đảo, hàng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trên địa bàn. Vậy nhưng, thời gian gần đây, “viên ngọc xanh” này đã biến thành hồ nước vàng, sủi bọt tanh nồng, bởi hoạt động nuôi cá lồng của doanh nghiệp.

Do địa hình, hồ được thiết kế đắp đập dâng nước ở trên cao, tích nước phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng dưới hạ lưu nên những ngày qua lượng nước đóng váng trên mặt hồ đã bốc mùi hôi thối, gặp gió tỏa đi đã làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và dịch vụ – du lịch của người dân 4 xóm: Xóm Chuối, xóm Soi, xóm Cả, xóm Dứa thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ.

Một lớp váng dày đặc vừa vàng, vừa trắng ngà nổi thành dải dài khoảng 100m, rộng hơn 50m.

Tìm hiểu được biết, ngày 19/4/2017, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 896/SNN-CCTS chứng nhận đăng ký bè cá với tổng số lượng 30 lồng cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nuôi cá nước ngọt tại hồ Gò Miếu thuộc địa bàn xóm Chuối, xã Ký Phú, tỉnh Thái nguyên.

Bằng các nguồn hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến nông của tỉnh và huyện, chính quyền địa phương đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật gần 500 triệu đồng để đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở chăn nuôi cá lồng tại hồ Gò Miếu.

Viễn cảnh tươi đẹp từ mô hình nuôi cá lồng tại hồ Gò Miếu được mở ra với những hứa hẹn thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương, làm nên thương hiệu cá sạch. Vậy nhưng, lợi ích đến nay của mô hình chưa thấy rõ, nhưng hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu đã bị người dân xã Ký Phú tố cáo gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Thậm chí, với thảm cảnh ô nhiễm chưa từng xảy ra trong lịch sử tại hồ, nhiều người dân lo lắng hoạt động nuôi cá lồng này có thể sẽ “giết chết hệ sinh thái” của một trong những hồ nước ngọt đẹp nhất dưới chân Vườn Quốc gia Tam Đảo?

Theo người dân xã Ký Phú, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hồ Gò Miếu là do hoạt động chăn nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật. Bởi trong lòng hồ và phía trên thượng nguồn hồ Gò Miếu không có người sinh sống, toàn bộ nguồn nước cấp cho hồ Gò Miếu đều chảy từ rừng nguyên sinh trong Vườn Quốc gia Tam Đảo nên không thể có chuyện ô nhiễm.

Toàn cảnh cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu 

“Ở đây chỉ có duy nhất hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nên không ai đến đây để gây ô nhiễm được,” anh Lê Văn Tú, người dân xóm Chuối, xã Ký Phú bức xúc nói.

Người dân xóm Chuối cũng cho biết, hồ Gò Miếu gần đây đang ngày ô nhiễm hơn, nhất là từ ngày Công ty Việt Nhật chuyển từ thức ăn công nghiệp sang dùng cá tạp, cá mè. Thậm chí người dân còn nghi ngờ doanh nghiệp dùng lợn chết để nuôi cá lăng đen, cá trê nên mới khiến nguồn nước hồ ô nhiễm nặng như vậy?

Ngay trong chiều 19/5, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ cũng đã ban hành công văn gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đề nghị Công ty kiểm tra hoạt động chăn nuôi thả cá và nuôi cá lồng bè trong phạm vi lòng hồ.

Đồng thời chỉ đạo thực hiện kiểm tra, lấy mẫu quan trắc váng màu nổi trên mặt hồ và nguồn nước trong hồ, xác định rõ nguyên nhân, lý do mặt nước hồ bị nổi váng, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục hiện tượng.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị đang trực tiếp quản lý và vận hành hồ Gò Miếu, thừa nhận sự việc đúng như người dân phản ánh.

Ông Thịnh cho biết, ngay sau khi nắm bắt được thông tin ô nhiễm tại hồ Gò Miếu, phía Công ty đã cùng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đại Từ kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích. Trước mắt, đơn vị yêu cầu Công ty Việt Nhật phải tiến hành vớt toàn bộ lượng váng nổi trên mặt hồ để xử lý. Tạm dừng toàn bộ hoạt động sử dụng cá tươi, cá tạp, cá mè làm thức ăn cho cá, thay thế bằng thức ăn công nghiệp để theo dõi đánh giá.

Qua sự việc trên cho thấy, để nhân rộng các mô hình sản xuất, khuyến khích người dân đầu tư chăn nuôi tập trung nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thu nhập thì rất cần có sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, để người dân an tâm phát triển sản xuất, kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nước hồ Gò Miếu đổi màu bất thường, nổi váng, bốc mùi hôi tanh