Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển hệ sinh thái rừng theo hướng đạt giá trị đa dụng. Địa phương hướng đến việc không chỉ đơn thuần trồng rừng lấy gỗ, bảo vệ môi trường mà còn thu lợi từ các hoạt động dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và sản phẩm ngoài gỗ. Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ đạt giá trị sản phẩm gỗ từ rừng gần 11.000 tỷ đồng; giá trị lâm sản ngoài gỗ tăng 1,5 lần và thu từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tăng 50% so với năm 2020...
Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, tăng diện tích rừng gỗ lớn. Xác định đây là một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế rừng, tỉnh đã chỉ đạo chuyển dần rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn, tập trung ở các huyện có lợi thế về rừng như Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương.
Đặc biệt, cần lưu tâm đến chất lượng giống cây rừng và kỹ thuật thâm canh tăng năng suất. Tiến tới tất cả gỗ rừng trồng phải được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã vùng trồng để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Do có nguyên liệu dồi dào, đảm bảo quy chuẩn, tỉnh Thái Nguyên đã và đang khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tương ứng theo hướng hiện đại, đa dạng, giảm dần sản phẩm thô, sản phẩm từ rừng gỗ nhỏ và cơ sở chế biến thủ công. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn với các sản phẩm xuất khẩu như viên nén, ván ép, gỗ dán.
Ngoài khai thác gỗ, các địa phương có rừng trong tỉnh đang hướng đến khai thác lâm sản ngoài gỗ như tre, nứa, cọ… và cây dược liệu dưới tán rừng. Theo đó, những vùng trồng quế tập trung đã được hình thành tại một số huyện, trong đó trọng điểm là Định Hóa và Võ Nhai, với mục tiêu đến năm 2030 đạt diện tích 11.500ha. Đồng thời, xây dựng một số mô hình sản xuất, chế biến quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công suất khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm.