Tham mưu, ban hành quy định về “Bưu chính xanh” nhằm hạn chế rác thải nhựa

Thanh Thanh|19/07/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về “Bưu chính xanh”, nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Cụ thể, đại diện Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã thông tin về mục tiêu phát triển kép, muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số, muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Việc lạm dụng các vật liệu nhựa sử dụng một lần, đặc biệt là khâu thương mại điện tử đang gây ra gánh nặng cho môi trường, ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ sau.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa từ thương mại điện tử nói chung, hoạt động đóng gói nói riêng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất một số giải pháp như quy định hạn chế tiến đến không dùng vật liệu nhựa sử dụng một lần trong đóng gói sản phẩm, thay thế bằng carton và vật liệu phân huỷ sinh học, đưa ra danh mục vật liệu thân thiện với môi trường.

rac-thai-thuong-mai-dien-tu.jpg
Năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tới 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn

Cùng với đó, thiết kế tối ưu đóng gói để tiết kiệm vật liệu, giảm rác thải. Thực hiện hướng dẫn cũng như quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp chuyển phát trong việc tự nguyện áp dụng hoặc bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn đóng gói thân thiện với môi trường, quy trình thu hồi tái chế, logistics ngược.

Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền nhận thức người dân xây dựng thói quen sử dụng vật liệu thân thiện, xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của chính phủ.

Đại diện Vụ Bưu chính cũng cho biết thêm, khi xem xét sửa đổi Luật Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn, quy định, hướng dẫn từ Liên minh Bưu chính Thế giới UPU và một số nước trên thế giới để chắt lọc, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về “Bưu chính xanh” nhằm góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Trước đó, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã công bố báo cáo Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tới 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn, phần lớn bao bì nhựa này thải ra môi trường, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa – vấn đề môi trường nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Bán lẻ trực tuyến sử dụng nhiều bao bì đặc biệt là vật liệu và dụng cụ nhựa. Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam đưa ra đánh giá định lượng quy mô bao bì, vật liệu, dụng cụ nhựa phát sinh từ kinh doanh trực tuyến.

Trên phạm vi toàn cầu, sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, kể cả 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, từ năm 2022, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến trên phạm vi toàn thế giới đã chậm lại. Tuy nhiên, xu hướng trong giai đoạn từ 2023 - 2026, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến vẫn cao hơn gấp đôi so với bán lẻ truyền thống. Ước tính doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn cầu năm 2023 đạt 2,6 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 11% và chiếm 28% so với bán lẻ truyền thống. Dự kiến tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử toàn cầu có thể đạt 7,4 nghìn tỷ USD và băng 31% so với bán lẻ truyền thống.

Tại Việt Nam, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn đưa ra dự đoán rằng mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025. Đi cùng với đó, là sự gia tăng nhanh chóng trong việc sản xuất, tiêu thụ các loại bao bì, bao gồm bao bì sử dụng trong đóng gói và vận chuyển. Tuy nhiên, song song với các lợi ích mang lại như rẻ, bền, đa dạng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, sản phẩm cuối của quá trình sử dụng các sản phẩm nhựa là các loại chất thải nhựa.

Việc sản xuất và tiêu dùng bao bì nhựa ngày một nhiều hơn, trong khi hệ thống thu hồi, xử lý, và giảm thiểu chất thải nhựa vẫn còn nhiều bất cập, đang là một thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tham mưu, ban hành quy định về “Bưu chính xanh” nhằm hạn chế rác thải nhựa