Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025
Sáng 21/3, tại Đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025, kỷ niệm 1777 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Dự lễ hội có các ông: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Phát biểu tại lễ hội, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa, khẳng định lễ hội nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc xứ Thanh, khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong thời kỳ mới.

Lễ hội đền Bà Triệu có các nghi thức truyền thống như: Lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị, rước kiệu và dâng hương kính cáo anh linh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Diễn ra trong các ngày từ 20 - 23/2 Âm lịch hằng năm, lễ hội là dịp để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh. Lễ hội được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc và trang trọng, như: Lễ mộc dục, tế lễ (rước kiệu, tế nữ quan), tế Phụng Nghinh, rước bóng, hội trận tại đình làng Phú Điền…
Sau nghi lễ tấu trình chúc văn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đông đảo du khách thập phương đã ôn lại quá trình dựng cờ khởi nghĩa và công đức của nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh cùng những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Theo sử sách ghi lại, Bà Triệu sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ - 226, tại vùng đất Quan Yên (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định), lúc còn nhỏ, với chí khí hơn người, được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, bình thư, võ nghệ; lớn lên, bà trở thành một người phụ nữ dũng cảm, mưu trí. Năm 247, từ núi Nưa, nghĩa quân của bà đã tấn công thành Tư Phố và giành thắng lợi trọn vẹn. Trên đà thắng lợi, nghĩa quân tiến xuống Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng với Nhân dân địa phương xây dựng căn cứ lâu dài cho cuộc kháng chiến.

Trước tinh thần và khí phách của người con gái mới ngoài 20 tuổi, Nhân dân Cửu Chân (Thanh Hóa) đã nô nức gia nhập nghĩa quân của bà. Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho địch từ Thái thú đến Huyện lệnh và binh lính kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn.
Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của nghĩa quân Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dận, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8.000 quân với nhiều lâu thuyền hùng hổ kéo sang hòng đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong một trận giao tranh ác liệt, Bà Triệu đã anh dũng quyên sinh trong sự tiếc thương, kính phục của Nhân dân, vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248).
Tưởng nhớ công ơn của Bà Triệu, nhân dân đã xây lăng mộ bà trên đỉnh núi Tùng, lập đền thờ và dựng một ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền; đồng thời tôn bà làm Thần hoàng làng. Các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ. Năm 1979, đền thờ và lăng mộ bà ở xã Triệu Lộc đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu. Năm 2022, Lễ hội đền Bà Triệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống... Lễ hội đã vượt ra ngoài khuôn khổ một làng (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) để trở thành một lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất xứ Thanh.