Thanh Hóa: Nhiều điểm nhấn tích cực trong công tác bảo vệ môi trường

Nguyễn Trường|27/03/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cũng đã được thực hiện một cách đồng bộ, đa dạng với nhiều chuyển biến tích cực, đáng khích lệ….

Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cơ bản đáp ứng được yêu cầu

Bình quân mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) ở các xã, thị trấn của huyện Như Thanh phát sinh khoảng 30 tấn. Để viêc thu gom RTSH mang lại hiệu quả tích cưc, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung làm tốt công tác xử lý rác thải tại chỗ và yêu cầu các phòng chức năng liên quan phối hợp với các xã, thị trấn duy trì phong trào vệ sinh môi trường (VSMT) vào sáng thứ bảy hàng tuần; phát động toàn dân tham gia tổng VSMT tại nhà, khu dân cư, các điểm công cộng, đường làng, ngõ xóm... Ngoài ra, các xã, thị trấn còn tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường; phối hợp với các ngành, đoàn thể phát động phong trào BVMT lồng ghép với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới.

W_thanh-hoa-2-(1).jpg
94% RTSH trên địa bàn huyện Như Thanh đã được xử lý bằng công nghệ đốt, môi trường sống của người dân không ngừng được cải thiện

Qua đó, từng bước hình thành nếp sinh hoạt trong việc giữ gìn môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn. Được biết, đến thời điểm hiện tại, việc thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn huyện Như Thanh, được thực hiện định kỳ từ 2 đến 3 lần/tuần; đã có 10/14 xã, thị trấn ký hợp đồng với đơn vị thu gom, với trên 86% lượng rác thải rắn được thu gom, xử lý, trong đó chiếm khoảng 6% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Năm 2016, huyện đã ký kết với Công ty CP Xây dựng môi trường Thành Tâm xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt. Đến nay, 94% RTSH trên địa bàn huyện đã được xử lý bằng công nghệ đốt.

W_thanh-hoa-1-(1).jpg
Mô hình "thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" được Hội nông dân huyện Triệu Sơn phát động đã phát huy được hiệu quả vì đã thu hút đươc đông đảo người dân tham gia, góp phần giảm thiểu gánh nặng cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Triệu Sơn

Là một địa phương đông dân, kinh tế đang phát triển nhanh, mỗi ngày trên địa bàn huyện Triệu Sơn phát sinh hơn 120 tấn RTSH. Để bảo đảm tốt VSMT, huyện đã xây dựng đề án "Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Thông qua đề án, huyện đã huy động được nguồn lực từ Nhân dân tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, có 7 xã trên địa bàn huyện hợp đồng với các đơn vị dịch vụ để thu gom, vận chuyển RTSH đưa đi xử lý, với tổng khối lượng thu gom trên khoảng 19 tấn/ngày; 27 xã, thị trấn đã quy hoạch bãi rác ngay tại địa phương để xử lý. Hàng ngày, RTSH từ trong các khu dân cư được người dân để đúng nơi quy định, lượng rác thải được thu gom đạt hơn 90%.

Được biết, tổng lượng RTSH phát sinh hằng ngày toàn tỉnh Thanh Hóa, trung bình khoảng 2.774 tấn/ngày; trong đó lượng chất thải ở khu vực nông thôn chiếm trên 75%, tương ứng với gần 2.000 tấn/ngày. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 88%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; 100% chất thải y tế nguy hại được thu gom xử lý.

Đa dạng các hình thức bảo vệ môi trường


Thời gian qua trên địa bàn Thanh Hóa, phong trào toàn dân tham gia BVMT được phát động rộng rãi. Hàng loạt mô hình do các hội, đoàn thể được triển khai như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã với mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường"; Tỉnh Đoàn thanh niên duy trì hoạt động Câu lạc bộ "Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường", "Thanh niên bảo vệ dòng sông quê hương"; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 05 không, 03 sạch"; Hội Nông dân triển khai mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư". Các mô hình đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực. Qua đó, ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp nâng cao rõ rệt.

W_thanh-hoa-3-(1).jpg
Do làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có 61.544 hộ tham gia “mô hình thùng rác xanh” với tổng số lượng trên 8.800 thùng

Tại huyện Hoằng Hóa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình "Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh. Đến nay, toàn huyện có khoảng 15.000 thùng đựng rác các loại đạt chuẩn. Bên cạnh đó, chính quyền huyện Hoằng Hóa đã hỗ trợ thêm các xã Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Hải và Hoằng Trường 147 thùng rác để thu gom rác thải khu vực công cộng trong Khu du lịch biển Hải Tiến. 100% các xã, thị trấn đã tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định (trong đó: chôn lấp chiếm 55%; công nghệ cao 45%).

W_thanh-hoa-4-(1).jpg
Nhóm Thanh Hóa xanh, quy tụ các bạn trẻ đến từ Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã tổ chức được nhiều chương trình, hoạt động tích cực giúp bảo vệ môi trường: dọn rác ở các kênh, mương, bờ biển,...

Đặc biệt, nhận thấy tình trạng RTSH trên địa bàn ngày càng nhiều nhưng chưa được thu gom đúng cách dễ làm mất mỹ quan và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu năm 2021, UBND huyện Hoằng Hóa đã có Công văn số 1983/UBND-TNMT chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kêu gọi, vận động người dân cùng nhau đồng lòng thực hiện “mô hình thùng rác xanh”. Theo đó, các hộ dân có vườn, ruộng cần phải có 2 thùng đựng rác có nắp đậy hoặc 1 thùng đựng rác có 2 ngăn để phân loại rác thải sinh hoạt và để xử lý rác hữu cơ làm phân bón, còn lại các hộ khác thì mỗi nhà có 1 thùng đựng rác có nắp đậy để bỏ rác đúng nơi quy định, chống được sự xâm nhập của các loài động vật và tạo thói quen phân loại rác ngay tại nguồn. Ở khu vực công cộng như: Nhà văn hóa, công viên... Huyện cũng đề nghị UBND các xã, thị trấn bố trí kinh phí hoặc kêu gọi hình thức xã hội hóa mua thùng đựng rác để thu gom, đảm bảo mỹ quan và VSMT. Do làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có 61.544 hộ tham gia “mô hình thùng rác xanh” với tổng số lượng trên 8.800 thùng.

W_thanh-hoa-6-(1).jpg
Đoàn xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa) với nhiều hoạt động BVMT thiết thực, ý nghĩa

Đi dọc các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn huyện Thọ Xuân, có thể cảm nhận rõ công tác bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện... đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhất là từ khi lực lượng thanh niên trong huyện tuyên truyền, vận động bà con tham gia làm vệ sinh môi trường, thực hiện 3 sạch “sạch nhà - sạch ngõ - sạch bếp”, không vứt rác thải bừa bãi ra đường, xuống cống.

W_thanh-hoa-5-(1).jpg
Đoàn xã Xuân Phú (Thọ Xuân) ra quân dọn VMST khu vực công sở xã

Tại xã Thọ Lâm, thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đoàn xã đã phối hợp khánh thành và bàn giao công trình thanh niên Đường tranh bích họa. Đây là công trình được triển khai tại khu vực cổng Trường Tiểu học Thọ Lâm với chiều dài 100m, tổng kinh phí gần 20 triệu đồng, với nội dung vẽ các bức tranh bích họa tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường... Thông qua đó góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; đồng thời chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Năm 2022, Huyện đoàn Thọ Xuân đã tổ chức hàng trăm đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường; tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh và đã thu được 3.500 kg rác thải nhựa; thực hiện 16 tuyến đường tranh bích họa, 18 tuyến cột điện nở hoa... Cùng với đó, các hoạt động nạo vét kênh mương nội đồng, trồng cây xanh được các cấp bộ đoàn triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.

Hiện nay, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành nếp sống, với nhiều hoạt động thường xuyên của các tổ chức, cá nhân. “Bức tranh” về môi trường của địa phương vì thế đã không ngừng được cải thiện, với nhiều “gam màu sáng” đáng khích lệ. Hi vọng, với sự đồng lòng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây, địa phương này sẽ trở thành một vùng đất “đáng sống” với những mĩ từ lung linh nhưng không hề xa vời: xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều điểm nhấn tích cực trong công tác bảo vệ môi trường