Thanh Hóa: Xác định tầm quan trọng của việc phát triển nền nông nghiệp bền vững

Sơn Hà|01/09/2023 13:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 30/8/2023, tại TP. Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Chương trình tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Hiện trạng và giải pháp”.

Mở đầu buổi Tọa đàm, đại diện Ban tổ chức đã nêu lên tầm quan trọng của việc phát triển nền nông nghiệp bền vững. Theo đó, nhiều năm qua, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được xem mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề then chốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành nỗi lo thường trực mọi quốc gia.

ua1a5537-2-.jpg
Các đại biếu trao đổi, thảo luận về phát triển nông nghiệp bền vững tại Tọa đàm

Tại tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 3416 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, nông nghiệp tại Thanh Hóa sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nông lâm thủy sản từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 16/10/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra vấn đề xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đến năm 2030.

ua1a5489-2-.jpg
Ông Hoàng Viết Chọn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa phát biểu tại tọa đàm

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn, cho biết tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân trong 3 năm gần đây đạt 3,41%; quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 36.738 tỷ đồng, tăng 3.667 tỷ đồng so với năm 2020. Trên địa bàn đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao với diện tích 75 nghìn ha, vùng ngô thâm canh gần 20 nghìn ha...

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; đổi mới, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ...

ua1a5539-2-.jpg
Tiến sĩ Hồ Quang Hòa phát biểu ý kiến

Được biết, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020.

Buổi Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự ghi nhận của các Đại biểu tham gia về tính thiết thực và ý nghĩa của nội dung được thảo luận; Đặc biệt, sau chương trình, Ban tổ chức phối hợp Thành đoàn thành phố Sầm Sơn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh - GreenHub phát động chương trình nhặt rác thải nhựa, làm sạch bãi biển tại Sầm Sơn.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bến En
    Ngoài bảo tồn tính đa dạng của vườn quốc gia Bến En, các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng những mô hình chăn nuôi thiết thực của Ban quản lý vườn quốc gia Bến En, đã giúp hệ sinh thái nơi đây từng bước hồi sinh, qua đó thiết lập được một nền kinh tế xanh bền vững cho người dân sống trong vùng đệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Xác định tầm quan trọng của việc phát triển nền nông nghiệp bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.