Thành lập liên minh kích cầu, khôi phục du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19

Mai Anh (t/h)|21/02/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập liên minh kích cầu du lịch khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 với sự tham gia của 4 địa phương là Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk.

Liên minh Kích cầu Du lịch Việt Nam được HHDL Việt Nam quyết định thành lập ngày 15.2 do ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam làm Trưởng ban.

Theo kế hoạch, Liên minh kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức sẽ chính thức được công bố vào 21/2.

4 địa phương được lựa chọn là những khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này hứa hẹn giúp chương trình kích cầu đạt hiệu quả cao hơn, qua đó góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam chủ động khôi phục hoạt động ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các Sở Du lịch các địa phương lập danh sách các khách sạn từ 3 đến 5 sao, đội xe từ 7 đến 45 chỗ tham gia chương trình; phối hợp xây dựng sản phẩm, điều hành và phục vụ tour đảm bảo an toàn cho khách du lịch; Hỗ trợ vé tham quan miễn phí cho khách du lịch; Chỉ đạo các đơn vị tham gia kích cầu đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng và giá thấp cho cho chương trình kích cầu đến quý 3/2020…

Phú Yên và Bình Định là 2 địa phương tiếp giáp nhau. Đa số khách du lịch thường chọn đi kết hợp cả 2 địa điểm này vì quãng đường ngắn và sở hữu nhiều quang cảnh hoang sơ, ít chịu ảnh hưởng từ bàn tay con người.

Cầu Ông Cọp điểm du lịch nổi tiếng tại Phú Yên.

Một chuyến đi kết hợp trọn vẹn nhất thường kéo dài khoảng một tuần. Tuy nhiên, du khách với thời gian eo hẹp có thể lựa chọn chuyến đi 4 ngày 3 đêm với đầy đủ các điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió (Quy Nhơn), gành Đá Đĩa, Mũi Điện (Phú Yên)…

Gia Lai và Đắk Lắk cũng là 2 tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng cho khách hàng lựa chọn “combo” du lịch. Tới đây, du khách có thể tham quan các điểm đến nổi tiếng như chùa Minh Thành (Gia Lai), đập thủy điện Yaly, Biển Hồ (Đắk Lắk)…

Năm 2003 dịch SARS bùng nổ, có tới 400.000 khách du lịch nước ngoài hủy tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch thời điểm đó có quy mô nhỏ hơn và tỷ lệ đóng góp trực tiếp của nó vào GDP Việt Nam ít hơn (dưới 4%).

Hiện nay, ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% GDP Việt Nam và đóng góp gián tiếp và lan tỏa vào GDP Việt Nam có thể lên đến 18%. Vì thế, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng dịch Covid-19 có tác động nặng hơn nhiều đối với ngành du lịch Việt Nam trong năm nay.

Mai Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập liên minh kích cầu, khôi phục du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19