Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (Covid – 19) ngành du lịch xác định vừa phòng chống dịch bệnh (khi dịch chưa hết) vừa chuẩn bị kế hoạch khi dịch bệnh chấm dứt để khôi phục, phát triển du lịch. Quan điểm này của Tổng Cục du lịch được đại diện nhiều Sở du lịch địa phương như Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh tán thành, ủng hộ.
Tại hội thảo “Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV”, ông Ngô Hoài Chung – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Ước tính thiệt hại trong 3 tháng tới: Khách Trung Quốc giảm 90 – 100%, lượng khách giảm từ 1,7 – 1,9 triệu lượt; Thị trường khách quốc tế còn lại giảm 50-70%, lượng khách giảm từ 2-2,8 triệu; Thị trường khách nội địa giảm 50 – 70% , lượng khách sẽ giảm từ 10,9 – 15,3 triệu lượt… cùng với đó là mức thiệt hại từ 5,9 – 7,7 tỷ đô la Mỹ. Còn dịch vụ lưu trú thiệt hại khoảng 1,5 – 1,8 tỷ USD, dịch vụ ăn uống từ 1,3 – 1,7 tỷ USD cùng với thiệt hại khác như dịch vụ vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm hàng hóa…
Khách du lịch an tâm khi đến Việt Nam, Ảnh minh họa
Nếu dự báo ban đầu trở thành hiện thực thì ngành du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa (bắt đầu vào cao điểm cuối tháng 5), các doanh nghiệp có thể xúc tiến các hoạt động outbound để bù đắp những tổn thất kinh tế từ đầu năm 2020.
Khách du lịch quốc tế có thể sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 6/2020 và để khách tăng cường trở lại vào mùa cao điểm (tháng 10/2020 – tháng 4/2021) thì trong thời gian từ tháng 4-9/2020, ngành du lịch cần tăng cường xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước.
Ngoài ra còn có một kịch bản, theo các chuyên gia y tế thế giới, dịch bệnh có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè 2020, tức là các hoạt động du lịch có thể trở lại vào đầu quý IV/2020. Như vậy hoạt động xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch nội địa sẽ gặp khó khăn nhưng các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế vẫn được triển khai như phương án trên.
Tổng cục Du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ứng phó, phục hồi sau khi dịch bệnh suy giảm và chấm dứt.
Về giải pháp thị trường: Đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAn và các thị trường lớn, tiền năng như Ấn Độ, Mỹ, Canada… Bên cạnh đó duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu.
Trong các giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách. Song song với đó là các giải pháp về truyền thông, chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài.
Theo ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thì một trong những giải pháp quan trọng cần bổ sung là cần thân thiện, không kỳ thị với khách du lịch. Ông cho rằng, nếu trong lúc dịch bệnh, chúng ta kỳ thị thì khách mất thiện cảm và rất khó quay lại khi dịch bệnh đã hết.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Thế Bình (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho rằng việc không kỳ thị khách du lịch là rất quan trọng và không gây phản cảm đến ngành du lịch. Bên cạnh việc chủ động phòng chống dịch bệnh cũng cần bình tĩnh. Chúng ta từng trải qua dịch bệnh cũng rất nguy hiểm như SARS năm 2003, nên giờ cần phải chứng minh được chúng ta bình tĩnh và hoàn toàn có khả năng xử lý được như với dịch SARS trước đây.
Hoài Thương