Ngày 30/4/1975 Sài Gòn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Ngay sau đó, năm 1976, Sài Gòn được đổi tên thành thành phố mang tên Bác. Từ Đại hội VI của Đảng, thành phố tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình chính trị, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; nền kinh tế có sự biến đổi sâu sắc, toàn diện từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh, liên tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội được cải thiện không ngừng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Toà nhà Landmark 81 lung linh bên dòng sông Sài Gòn
Kinh tế luôn duy trì ở mức cao
Đảng bộ Thành phố đã quán triệt, vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường. Kinh tế Thành phố luôn tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục, giai đoạn 1991-2010, Thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số.
Giai đoạn (2005 – 2014), TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, quy mô kinh tế mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều phát triển. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2006 – 2010 tăng 11,2%, đặc biệt trong giai đoạn 2011 – 2014 tuy bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, nhưng GDP của thành phố vẫn tăng trưởng hợp lý, năm 2011 tăng 10,3%, năm 2012 tăng 9,2%, năm 2013 tăng 9,3%, năm 2014 tăng 9,6% (cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng sản phẩm nội địa của cả nước). Xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố chiếm hơn 30% cả nước.
Thu – chi ngân sách đạt kế hoạch, cơ bản đảm bảo cân đối ngân sách phục vụ nhiệm vụ phát triển thành phố, góp phần tích cực thực hiện ngân sách quốc gia. Giai đoạn 2011 – 2015, TP Hồ Chí Minh tập trung bố trí vốn ngân sách là 98.724 tỷ đồng, tổng giá trị giải ngân các dự án ODA ước 27.212 tỷ đồng. Việc hoàn thành nhiều dự án vốn ODA như vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm… đã góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố. Hiện nay, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là điểm đến vui chơi giải trí và góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông.
Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hiện đại đã hoàn thành trước tiến độ và đưa vào sử dụng, đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố, được nhân dân đồng tình đánh giá cao như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2… Thêm vào đó, các toà nhà hiện đại, cao tầng đã được mọc lên góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố. Trong đó, Bitexco Financial là điểm nhấn của thành phố, mang ý nghĩa sâu sắc tương lai, búp sen có ý nghĩa như là một phép ẩn dụ cho hình ảnh Văn hóa Việt Nam đang nở rộ. Tại thời điểm khánh thành, Bitexco Financial cao thứ 110 thế giới. Tiếp đó ngày 26/07/2018, Tập đoàn Vingroup cũng đã khánh thành Toà tháp Vincom Landmark 81, đây là toà tháp cao thứ 2 Đông Nam Á, và thứ 14 trên thế giới.
Vài năm trở lại đây, thành phố đồng loạt khánh thành các công trình giao thông trọng điểm tạo trục nối thông suốt, như cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây; cao tốc TPHCM – Trung Lương và hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được vận hành trong đầu năm 2015. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ rộng 64 m và có chiều dài 670 m (từ trụ sở UBND TPHCM đến Bến Bạch Đằng). Đây là điểm vui chơi, tham quan của người dân và du khách. Trong tương lai, phố đi bộ này sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh cũng có bước tiến tích cực
Đi đầu trong cả nước về giáo dục, y tế và giảm nghèo
Cùng với thành quả phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá-xã hội, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực của Thành phố cũng có bước tiến tích cực. Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo từ năm học 2005-2006 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao với 21/21 chỉ tiêu xuất sắc. Mạng lưới trường, lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp 322 phường, xã, thị trấn, 24 quận – huyện với quy mô tăng theo các năm. Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh Thành phố ở tốp đầu của cả nước. Thành phố là địa phương đi đầu trong cả nước về phổ cập giáo dục, đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học.
Mạng lưới y tế Thành phố không ngừng phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Ngành y tế Thành phố luôn chú trọng phát triển chuyên khoa sâu, áp dụng kỹ thuật mới trong khám và điều trị, là trung tâm của cả nước và trong khu vực về nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong thăm khám và điều trị bệnh.
An sinh xã hội luôn được đảm bảo. Điểm nổi bật và thành công của Thành phố trong 42 năm sau ngày giải phóng là đi đầu cả nước về xóa đói giảm nghèo. Đến tháng 6-2016, tỷ lệ hộ nghèo Thành phố còn 3,3%.
Thành phố cũng là nơi khởi xướng, thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo; chăm lo cho công nhân, người lao động…
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ nét.
Những thành công của TP Hồ Chí Minh hôm nay đã tiếp tục khẳng định vấn đề dựa vào dân, lấy dân làm gốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân để tạo sự đồng thuận. Đó là nguồn cội của mọi thắng lợi.
Có thể thấy, sau 45 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ngoạn mục. Không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình kiến trúc mang tầm thế kỷ… Thành phố Hồ Chí Minh còn có cả một nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa vững vàng, năng động và sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thu Hà