Thanh Xuân, Hà Nội: Phế thải đổ chất thành núi ở phường Khương Đình

26/05/2017 07:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ nhiều tháng qua phế thải đã chất thành núi, với số lượng lên đến hàng nghìn khối đổ trên diện tích đất nông nghiệp. Kéo theo đó là hàng trăm m2 đất trồng rau, trồng hoa đang tiếp tục bị vùi lấp.

Lối dẫn lên núi phế thải vẫn hằn rõ vết bánh xe tải lớn

Ông Nguyễn Văn Th. (người dân khu vực) bức xúc: “Vấn nạn đổ trộm phế thải diễn ra rầm rộ từ 1 – 2 năm trở lại đây. Trước đó, khu vực cạnh đầm Hồng, khu đất trống được giao cho Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, để thực hiện dự cải tạo đầm Hồng, họ nạo vét bùn, đất từ lòng hồ đổ lên. Tuy nhiên, lợi dụng việc này phía đơn vị cũng đổ tràn lan phế thải sang khu đất bên cạnh. Tuy nhiên, thời gian qua, khu đất trồng rau, hoa màu của người dân lại tiếp tục bị vùi lấp bởi phế thải xây dựng, rác thải từ nhóm người có “máu mặt” tại khu vực này”.
Cũng theo người dân, tại “bến đổ” phế thải này, ban ngày chỉ vài ba xe bò, xe máy đổ trộm. Còn ban đêm là những xe tải lớn chở rầm rầm vào đổ. “Hiện nay, có một số đối tượng “bảo kê” cho việc đổ phế thải tại đây. Vì con đường dẫn vào bãi đất trống này chỉ độc đạo có con ngõ 207 Bùi Xương Trạch, do đó nếu phát xe ô tô lạ vào đổ thì các đối tượng đã ngăn chặn ngay từ đầu ngõ. Vào ban đêm, những xe tải đã được bảo kê lại ngang nhiên hoành hành”, một người dân cho biết.
Quan sát của phóng viên cho thấy, diện tích bãi đất trống bị phế thải vùi lấp lên đến hàng nghìn m2. Ngay bên cạnh “núi” phế thải là một số lều lán, nhà cấp bốn được dựng lên. Phía trong có 3 – 4 chiếc xe tải đỗ, theo người dân thì chính là những chiếc xe vào buổi tối lại hoạt động chở đất phế thải từ các nơi về đổ tại đây. Cùng với tình trạng núi phế thải “mọc” lên, cư dân xung quanh phải chịu mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Những bãi rác nhân tạo chạy dài ven bờ trở thành nơi tập trung của đủ các loại phế thải: Từ rau quả thối, túi nilông, bao bì, vải vóc cho đến đất cát, phế thải xây dựng… ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân.
Có hay không ai đó “bảo kê”?
Phế thải chất cao như núi
Trước tình trạng phế thải xây dựng, rác thải đổ tràn lan vùi lấp diện tích đất nông nghiệp nêu trên, người dân khu vực đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền quận Thanh Xuân, thế nhưng đến nay vụ việc vẫn không được xử lý, thậm chí, vấn nạn đổ trộm vẫn tiếp tục diễn ra.
Liên quan đến việc đổ trộm phế thải nêu trên, trao đổi với phóng viên, ông Chu Xuân Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình cho biết: Tại khu đất cuối ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, lối đi vào khu đầm Hồng là khu vực giáp ranh với phường Định Công, quận Hoàng Mai và phường Khương Trung, lại sát với Nghĩa trang phường Khương Đình, có diện tích khoảng 10.000m2.
Ông Sơn thừa nhận có tình trạng phế liệu, rác thải đang đe dọa đến môi trường và diện tích khu vực đầm Hồng, ông cho biết: Mặt bằng tại khu vực này, trước đó đã được bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, để thực hiện dự cải tạo đầm Hồng từ cuối tháng 12/2015. Phần bùn đất, rác thải từ khu đất trống sát đầm trước đó được đơn vị thi công múc lên chất đống, đến nay họ đã vận chuyển đi nhiều.
Đối với “núi” phế thải đang hiện hữu, ông Sơn cho rằng Phường đã có văn bản chỉ đạo lực lượng công an phường để ngăn chặn, xử phạt trong thẩm quyền. “Phường đã phối hợp với các lực lượng chức năng vào cuộc nhưng, việc giải quyết xử lý tình trạng đổ trộm phế thải gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng không thể trực 24/24. Phường cũng tuyên truyền cho người dân, khi phát hiện thì báo cho lực lượng công an đến lập biên bản xử lý… Để giải quyết vấn đề đổ trộm phế thải phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành”, ông Sơn nói.
Tình trạng đổ trộm vùi lấp phế thải ngày càng nhiều
Cũng trao đổi với phóng viên về tình trạng kiểm soát, xử lý đổ trộm phế thải, Thượng tá Nguyễn Văn Chiến – Trưởng Công an phường Khương Đình cho biết: Công an phường nhiều lần kiểm tra và đã từng bắt quả tang các đối tượng đổ trộm phế thải. Có những xe máy, xe bò họ chở phế thải qua rồi khi vắng người là vứt xuống. Việc bắt quả tang cũng rất khó khăn vì lực lượng mỏng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Người dân cho rằng có một số đối tượng đứng ra “bảo kê” cho hoạt động xe tải đổ trộm phế thải tại khu vực cuối ngõ 207, dẫn đến tình trạng diễn ra trong một thời gian dài và phế thải chất thành núi? Thượng tá Chiến nói: Đúng là phế thải đổ trộm chất rất cao, nhưng chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần và chưa phát hiện trường hợp nào bảo kê, nếu phát hiện có trường hợp bảo kê thì xử lý nghiêm. Đối với hoạt động xe tải vào đổ trộm, năm 2016 công an phường đã bắt xử lý 3 trường hợp. Công an phường cũng đang đề xuất lắp camera để theo dõi phòng ngừa chống tình trạng đổ trộm phế thải.
Đạt Lê (KTĐT)
Bài liên quan
  • Hà Nội, TP.HCM nằm trong 12 tỉnh thành sắp xếp lại toàn diện đơn vị hành chính
    Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Xuân, Hà Nội: Phế thải đổ chất thành núi ở phường Khương Đình
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.