Theo những con số của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố gần đây: Có tới 2,1/hơn 7 tỷ người không có thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn. Trong đó, có 4,5 tỷ người thiếu các hệ thống vệ sinh được quản lý một cách hợp lý.
Trong số 2,1 tỷ người không tiếp cận được nước sạch có tới 844 triệu người không có ngay nguồn nước sạch đảm bảo mà phải mất gần 30 phút mới có được và 268 triệu người phải mất hơn 30 phút để lấy. Ngoài ra còn có gần 160 triệu người trên toàn cầu lấy nước uống từ suối và ao hồ.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết có tới 80 quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng hoặc khó tiếp cận nguồn nước sạch. Theo số liệu mới được cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước trên thế giới, các quốc gia trong tình trạng “khát nước trầm trọng nhất” nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, theo sau là Israel và Liban.
Pakistan cũng đang gặp phải cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng. Hàng ngày, những đứa trẻ ở đây phải lặn lội trong những chuyến đi lấy nước được cấp phát từ Chính phủ
Thế giới có hơn 2 tỷ người đang thiếu nước sạch
Tại Nigeria, phụ nữ và trẻ em đang phải hứng nước uống từ các vòi công cộng. Theo Water Aid, 57 triệu người ở Nigeria không có nước sạch. Hơn 45.000 trẻ em Nigeria dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tả, do thiếu nguồn nước đảm bảo vệ sinh.
Giáo sư Peter Gleick, Hiệu trưởng danh dự của Viện Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The World’s Water”(Nguồn nước của thế giới), nhận định nếu những nguồn nước cạn kiệt có thể dẫn tới những tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến hủy diệt nhân loại.
“Tình trạng ấm lên toàn cầu nếu không cải thiện thì đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% lượng nước cần thiết”- Giáo sư Peter Gleick cảnh báo. Về góc độ kinh tế, WB cũng đưa ra dự báo: Khan hiếm nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn vì tác động của biến đổi khí hậu sẽ “làm bốc hơi” tới 6% GDP hàng năm tại một số khu vực, là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng di cư và tạo mầm mống xung đột.
Theo UNICEF, tới năm 2040, sẽ có tới 600 triệu trẻ em, nghĩa là trên thế giới cứ 4 em thì có 1 em sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Minh Trang (T/h)