Theo đó, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu hôm chủ nhật tuần trước đã đạt 17,09 độ C - cao hơn một chút so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái là 17,08 độ C.
C3S xác nhận, trong các kỷ lục về nhiệt độ được cơ quan này thống kê từ năm 1940, kỷ lục nhiệt độ trung bình hàng ngày thiết lập vào năm ngoái đã chính thức bị phá vỡ vào ngày 21/7 vừa qua.
Năm ngoái chứng kiến 4 ngày liên tiếp nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục, kéo dài từ ngày 3 đến 6/7. Giới chuyên gia cho rằng, việc đốt nhiên liệu hóa thạch dẫn đến biến đổi khí hậu đã gây ra nắng nóng cực độ trên khắp Bắc bán cầu trong năm ngoái.
Trong tuần qua, các đợt nắng nóng đã thiêu đốt nhiều vùng rộng lớn ở Mỹ, châu Âu và Nga, đồng thời làm tăng nguy cơ cháy rừng diện rộng.
Theo Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nhiệt độ cao đã góp phần gây ra cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp, cũng như dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.
C3S cho biết, kể từ tháng 6/2023, đã 13 tháng liên tiếp đều được ghi nhận là tháng nóng nhất hành tinh, với nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng tháng đều vượt kỷ lục so với tháng tương ứng của những năm trước kể từ khi có các thống kê chính thức.
Một số nhà khoa học cho rằng năm 2024 có thể vượt qua năm ngoái trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy trong năm 2024 này.