(Moitruong.net.vn) – Gần 1 năm nay, hàng chục hộ dân thôn Trại Mới B và thôn Đông Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh rất bức xúc khi phải sống chung với ô nhiễm môi trường từ mùi khí thải khét lẹt phát ra trong quá trình tái chế nhựa của công ty TNHH kỹ thuật Minh Anh (công ty Minh Anh) . Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Nhận được phản ánh của người dân thôn Trại Mới B và thôn Đông Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh về tình trạng ô nhiễm môi trường do xưởng tái chế nhựa của công ty Minh Anh gây ra trong thời gian dài ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Phóng viên Moitruong.net.vn đã có mặt tại địa bàn trên để ghi nhận những bức xúc của người dân. Anh L.Đ.T, người dân thôn Trại Mới B bức xúc: “Trước kia môi trường sống ở khu vực này trong lành lắm, từ ngày xưởng tái chế nhựa của công ty Minh Anh hoạt động thì nơi đây bao trùm một không khí ngột ngạt. Họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, thỉnh thoảng lại phát ra mùi khí thải khét lẹt như mùi đốt dây điện, khó chịu vô cùng, gia đình tôi phải trang bị cửa kính đóng cửa suốt cả ngày. Ban ngày còn đỡ 1 chút chứ ban đêm họ hoạt động mạnh mùi khí thải phát ra nồng nặc khiến chúng tôi không tài nào ngủ được. Một số hộ dân xung quanh vì không thể chịu được cảnh ô nhiễm này đã phải chuyển đi nơi khác để sinh sống.”
Nhà xưởng của Công ty Minh Anh không có biển hiệu, bao bì chứa nhựa phế liệu để ngổn ngang ngoài trời.
Cùng nỗi bức xúc với anh T, bác L.T.Đ, người dân thôn Đông Sơn chia sẻ: “ Ngay từ khi Tỉnh có chủ trương cho công ty tái chế nhựa Minh Anh xây dựng ở đây người dân chúng tôi đã không đồng thuận rồi nhưng không hiểu sao họ vẫn được cấp phép hoạt động. Khổ lắm anh, chị ạ! Những khi công nhân nấu nhựa, mùi khét lẹt bốc lên bay thẳng vào nhà dân khiến chúng tôi không tài nào chịu được, ngửi lâu là thấy chóng mặt, buồn nôn. Mùa gió Bắc thì người dân Đông Sơn chịu ảnh hưởng trực tiếp, gió Đông Nam thì người dân thôn Trại Mới B bị ảnh hưởng. Công ty mới hoạt động được 1 thời gian mà đã gây ô nhiễm môi trường như thế này rồi, nếu hoạt động ở đây lâu dài, suốt ngày “tra tấn” chúng tôi bằng mùi khí thải độc hại này thì việc mắc các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp là điều không thể tránh khỏi. Một số công nhân làm việc trong đó thấy môi trường độc hại quá đã phải bỏ tìm việc khác. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền xã nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý.”
Theo ghi nhận của phóng viên Moitruong.net.vn, ngoài cổng công ty không có bất kì biển hiệu gì, công ty Tái chế nhựa Minh Anh này nằm trên diện tích hàng nghìn mét vuông, có xây tường rào xung quanh, và chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ 2. Nhìn bên ngoài vào, có thể thấy các đống bao bì nhựa tái chế được công ty thu gom đặt ngay ngoài trời, không có bất kì biện pháp che chắn gì và được chất cao xung quanh nhà máy mùi rất khó chịu. Đặc biệt nhà máy nhựa tái chế này nằm trong khu dân cư, ngay bên cạnh nhà xưởng có các hộ sinh sống.
Chia sẻ nỗi bức xúc với phóng viên Moitruong.net.vn, bác Phạm Hữu Chản – Trưởng thôn Đông Sơn bộc bạch: “ Xưởng nhựa tái chế Minh Anh hoạt động trên địa bàn được gần 1 năm, trong quá trình tái chế nhựa phát sinh mùi, khí thải, nước thải ảnh hưởng tác động đến sức khỏe người dân, mùa này( gió Bấc) chúng tôi khổ lắm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri người dân cũng đã kiến nghị lên hội đồng nhân dân xã nhưng trên xã nói không có vấn đề gì, nhưng thực tế mùi nhựa rất nồng nặc, vì các lãnh đạo xã có sống gần nhà máy nhựa Minh Anh đâu mà hiểu được nỗi khổ, bức xúc của người dân, vấn đề này chỉ người dân và chúng tôi mới nắm được thôi. Vì vậy, qua cơ quan báo chí chúng tôi rất mong muốn và kiến nghị tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, Sở, Ngành, Thị xã quan tâm vào cuộc để kiểm tra, xem tác động của công ty Minh Anh ảnh hưởng tới sức khỏe người dân như thế nào. Vì trong quá trình đoàn đến làm việc kiểm tra công ty người dân có được giám sát đâu nên người dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc làm của cơ quan chức năng có thật sự công tâm khi làm việc.
Ngoài ra, trước đây nhà máy tái chế nhựa Minh Anh chưa về thì sức khỏe bà con rất tốt tỉ lệ ho, viêm đường hô hấp, khó thở, đau đầu, chóng mặt xảy ra rất ít nhưng gần 1 năm trở lại đây tình trạng người dân mắc những bệnh này khá nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe”.
Chính quyền có thực sự công tâm?
Quả thực, trong quá trình tác nghiệp tiếp xúc người dân, chúng tôi mới thấy và chia sẻ nỗi khổ của bà con khi hằng ngày phải hít thở bởi khí thải ô nhiễm mùi khét lẹt của nhà máy tái chế nhựa Minh Anh gây nên, nhìn những đứa trẻ ho sặc sụa mỗi khi luồng khí thải của công ty Minh Anh thổi về. Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên lãnh đạo xã Bình Khê lại có ý kiến hoàn toàn trái chiều với người dân và Trưởng thôn.
Ông Phan Thanh Sản – Chủ tịch UBND xã Bình Khê trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn.
Theo ông Phan Thanh Sản – Chủ tịch UBND xã Bình Khê khẳng định: “ Trước đây trong quá trình xây dựng nhà máy, người dân cũng phản đối rất quyết liệt, vì người dân cho rằng, sinh sống cạnh nhà máy tái chế nhựa trước mắt và lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và cuộc sống người dân. Ngoài ra, công ty Minh Anh hoạt động ở đây không hề gây ô nhiễm môi trường và xã cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng hoạt động gây ô nhiễm môi trường của công ty. Vừa rồi chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh xuống kiểm tra việc chấp hành luật bảo vệ môi trường của công ty, biên bản kiểm tra do Sở và Thị xã lưu giữ chúng tôi không lưu giữ hồ sơ gì của công ty. Phóng viên muốn biết cụ thể hãy liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh và Thị xã Đông Triều ”
Như vậy, đang có sự mâu thuẫn giữa phản ánh của người dân với Lãnh đạo xã. Phải chăng Lãnh đạo xã Bình Khê đang bao che cho sai phạm của công ty Minh Anh? Việc phê duyệt một nhà máy tái chế nhựa hoạt động trong khu dân cư và khoảng cách an toàn về môi trường đối với cuộc sống người dân có thực sự đảm bảo? Trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng Thị xã Đông Triều đến đâu trong vấn đề này?
Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc
Nhóm Phóng viên