Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề của ngành nông nghiệp

Theo Mard|01/11/2017 09:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp sẽ thành công nếu giải quyết được vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết có rất nhiều áp lực cho tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp nhưng nổi lên hai vấn đề là thích ứng biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường và khẳng định tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp sẽ thành công nếu giải quyết được hai vấn đề này.

Bộ trưởng diễn giải khí hậu trong 2 năm vừa qua có những hiện tượng cực đoan, gay gắt, nhiều dị thường hơn kịch bản mà ngành dự báo. Do đó, sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là nguyên tắc cơ bản để tái cơ cấu quy mô ngành hàng ở cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương.

Thực tế, ngành nông nghiệp đã điều chỉnh sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, các mặt hàng chính là lúa gạo, thủy sản, trái cây, thì nay do ảnh hưởng của nước biển dâng và nhiễm mặn thì cơ cấu sản phẩm thay đổi ngược lại theo thứ tự ưu tiên thủy sản, trái cây và lúa gạo. Trong đó, thủy sản với con tôm có thể thích nghi với nước lợ đã được xây dựng thành ngành hàng chủ lực cho xuất khẩu với sản lượng 5 triệu tấn/năm.

Tôm và cá tra cũng là biểu tượng của việc thích ứng với thị trường của ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng ngành hàng tôm và cá tra đạt giá trị xuất khẩu từ 8-10 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết các sản phẩm nông nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhưng các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực khiến hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ lại tạo ra sự cạnh tranh với nông sản nhập khẩu ngay trên sân nhà và tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Để bảo đảm thích ứng với thị trường, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát lại cơ cấu của 10 sản phẩm nông nghiệp quốc gia có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Ví dụ mặt hàng cá tra với 5.000 ha mặt nước nhưng vẫn phải tập trung vào cung ứng giống giá trị cao và đa dạng sản phẩm sau chế biến.

Ngành cũng tiếp tục tạo điều kiện phát triển cho các sản phẩm cấp tỉnh có quy mô sản xuất hàng hoá lớn. Ví dụ như tỉnh Bắc Giang có 20.000 ha vải thiều cho giá trị 5.000 tỷ đồng/năm, gà đồi 15 triệu con có trị giá 1.400 tỷ đồng và dự kiến tăng gấp đôi giá trị trong 5 năm tới.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng phát triển mô hình mỗi xã một đặc sản (Chương trình OCOP) với quy mô và tổ chức sản xuất bài bản. Quảng Ninh là địa phương làm tốt chương trình này với 198 sản phẩm OCOP, có những sản phẩm “5 sao”, có thể xuất khẩu như chè Hải Hà…

Từ những mô hình tốt, sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, người nông dân khi giải quyết được vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng tái cơ cấu ngành sẽ thành công.

Trước những ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về tình hình sản xuất và tiêu thụ phân bón còn phức tạp, hàng giả, hàng nhái tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ NN&PTNT với tư cách là đầu mối thống nhất quản lý phân bón đã phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xử phạt trong kinh doanh, sử dụng phân bón. Theo dự thảo này, mức phạt đã tăng lên với các chế tài mạnh như đơn vị sản xuất, kinh doanh nào vi phạm quy định pháp luật sẽ bị ngừng sản xuất.

Với 14.000 sản phẩm phân bón đang lưu hành, trong đó 90% phân bón là vô cơ, 760 nhà máy sản xuất phân bón cho ra sản lượng cao gấp 3 lần nhu cầu sử dụng, Bộ trưởng cho biết ngành sẽ quyết liệt phối hợp giải quyết các vấn đề thu gọn đầu mối sản xuất, gia tăng các sản phẩm phân bón hữu cơ để phục vụ cho sản xuất nông sản sạch.

Theo Mard

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề của ngành nông nghiệp