Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Minh Anh|11/05/2023 19:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo báo cáo ngày 11/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ảnh hưởng của thiên tai trong những ngày qua đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Cà Mau.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, chiều ngày 9/5, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã xảy ra dông, lốc, làm 24 nhà tốc mái, hư hỏng; ước thiệt hại khoảng 258 triệu đồng.

Tại Cà Mau, sáng ngày 10/5, tại xã Tam Giang, huyện Năm Căn, xảy ra 1 vụ sạt lở đất ven sông làm 2 nhà bị sập, 2 nhà bị hư hỏng; ước thiệt hại khoảng 140 triệu đồng.

dien-bien.jpg
Một nhà dân ở xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, bị tốc mái hoàn toàn do dông lốc

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Lào Cai thiệt hại năng nề do giông lốc và mưa đá

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 28/4 - 9/5, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện mưa giông, gió lốc và mưa đá ở một số xã huyện Mường Khương và thị xã Sa Pa.

Giông lốc, mưa đá tại xã Á Mú Sung (huyện Bát Xát), huyện Si Ma Cai liên tục xảy ra trong thời gian trên không gây thiệt hại về người nhưng làm 204 nhà/8.247 tấm lợp proximang bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại về nhà ở trên 70% và từ 30 - 70% ở 3 xã Nậm Chảy, Lùng Vai, La Pan Tẩn của huyện Mường Khương với 66 nhà. 138 nhà thiệt hại dưới 30% chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương.

Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp làm 0,15 ha mạ, lúa mới cấy ở phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa bị thiệt hại trên 70%; 41,1ha hoa màu bị ảnh hưởng dưới 30% tại thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, Bát Xát, Si Ma Cai và 15,34ha cây ăn quả ôn đới ở huyện Si Ma Cai bị thiệt hại.

Một nhà văn hóa thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy, huyện Mường có 80 tấm lợp proximang bị vỡ, 2 công trình tại huyện Văn Bàn gồm Thủy lợi Nậm Cần, xã Dần Thàng, sạt lở taluy dương làm gãy đoạn mương chiều dài 5m và thủy lợi Nậm Miện, Bản Bô, xã Thẳm Dương do mưa lớn gây vùi lấp tuyến mương chiều dài khoảng 1km.

Mưa lớn cũng làm hư hỏng các vật dụng, tài sản trị giá khoảng 60 triệu đồng của các hộ dân phường Cầu Mây, Hàm Rồng và xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa).

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Văn phòng thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, thống kê tình hình thiệt hại theo quy định; đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” sớm ổn định đời sống người dân vùng thiên tai.

Đến nay đã cơ bản khắc phục nhà ở bị gió lốc, mưa đá làm hỏng để ổn định cuộc sống người dân.

Chính quyền địa phương các huyện và thị xã Sa Pa đã vận động, tuyên truyền người dân chủ động khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Nhân dân thống kê, khắc phục tạm thời để đảm bảo hoạt động bình thường. Các công trình hạ tầng khác đang được khắc phục. 

Chủ động triển khai, ứng phó với thiên tai

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 11/5, bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và BắcTrung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2 - 3; vùng ven biển cấp 3.

Đêm 11 - 12/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 21 - 23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C.

Từ chiều và đêm 11/5, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5, riêng khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ gần sáng ngày 12/5 có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao 1,5 - 2,5m, biển động.

Đáng chú ý, ngày và đêm 11/5, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h và có khả năng kéo dài đến hết ngày 12/5.

Ngoài ra, ngày và đêm 11/5, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối) với lượng mưa từ 10 - 30mm, có nơi trên 50mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại các địa phương