VIDEO: Thời tiết nắng nóng, người dân “ngột ngạt” vì sông Tô Lịch bốc mùi
Bước vào mùa hè, nền nhiệt ở Hà Nội tăng cao, người dân sinh sống bên bờ sông Tô Lịch lại “khổ sở” vì dòng sông ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Các cửa hàng, quán ăn trên đường Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ, Láng,… dọc hai bờ sông cũng bị ảnh hưởng, thường xuyên phải đóng kín cửa.
Sông Tô Lịch ô nhiễm nhiều năm nay
Bà Dương Thị Dung sinh sống trên đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi ở đây mấy chục năm nay, sông Tô Lịch lúc nào cũng bốc mùi hôi thối. Nhất là khi chuyển mùa, vào mùa nóng oi bức thì mùi càng nồng nặc, khó chịu hơn. Không chuyển nhà đi đâu được thì mình phải chấp nhận thôi, nhiều người ở nơi khác đến cũng rất bức xúc vì sao giữa Thủ đô mà để sông ô nhiễm, bốc mùi hôi thối như vậy.”
Anh Nguyễn Văn An (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày nào cũng đi làm trên tuyến đường dọc sông Tô Lịch cho biết: “Mùa mưa nước sông dâng cao thì còn đỡ mùi, mùa nắng nóng thì nước rút, rác thải, dầu mỡ nổi lềnh phềnh lên, bốc mùi hôi thối không thể chịu được. Buổi trưa trời nắng nóng, dừng đèn đỏ mà mùi hôi thối bốc lên chỉ muốn đi cho nhanh. Những năm trước dịch thì thấy rầm rộ các dự án làm sạch sông Tô Lịch, rồi biến đoạn sông này thành công viên nhưng đến nay chưa thấy gì, vẫn hôi thối, ô nhiễm.”
Cứ đến mùa nắng nóng là người dân lại “ngột ngạt” vì sông bốc mùi
Những năm qua, với mong muốn làm sạch và khôi phục phần nào vẻ đẹp vốn có của dòng sông Tô Lịch, TP.Hà Nội đã nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau như việc dùng chế phẩm Redoxy3C của Đức để làm sạch nước, hay khởi công hệ thống cống gom nước thải bên bờ sông Tô Lịch với mục đích đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý nhằm chặn nguồn nước thải đổ trực tiếp vào dòng sông này, đặc biệt là ý tưởng lấy nước từ sông Hồng, Hồ Tây tạo dòng chảy để rửa trôi và làm sạch sông Tô Lịch,… nhưng đến nay những giải pháp này đều chưa đạt được kỳ vọng.
Đánh giá về thực trạng ô nhiễm sông ngòi ở Hà Nội nói chung và sông Tô Lịch nói riêng, ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Nguyên nhân trực tiếp là do cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay còn nhiều bất cập. Hạ tầng thu gom và xử lý nước thải của chúng ta không theo kịp quá trình đô thị hóa. Hiện nay, chúng ta mới xử lý được khoảng 13-15% tổng lượng nước thải sinh hoạt. Vậy khoảng 90% lượng nước thải không qua xử lý sẽ đổ ra ao, hồ, sông ngòi,… gây ô nhiễm.”
Mỗi ngày sông Tô Lịch phải nhận trực tiếp hơn 160.000 m3 nước thải sinh hoạt
Theo các chuyên gia, muốn giải quyết triệt để vẫn đề ô nhiễm sông Tô Lịch thì phải xử lý tận gốc nguồn nước thải: Trước hết gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông, tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả chất thải ra sông Tô Lịch nữa.
Trước đó, năm 2019, Công ty cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) đã thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, sau đó có đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, đến nay sông Tô Lịch vẫn là một dòng sông ô nhiễm, ý tưởng trên được đánh giá là có phần “bay bổng”.
Thế Đoàn