Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”

Hương Giang|01/03/2023 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam được coi như cương lĩnh về nền tảng, tư tưởng, lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc, khoa học, đại chúng, cách mạng và hội nhập quốc tế.

Tối ngày 28/2, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với chủ đề "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu tại Chương trình.

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu.

cac-dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung ướng Trịnh Văn Quyết; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh...

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam được coi như cương lĩnh về nền tảng, tư tưởng, lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc, khoa học, đại chúng, cách mạng và hội nhập quốc tế. Văn hóa là một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ qua những thăng trầm của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

“80 năm qua, đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người trong xã hội. Văn hóa Việt Nam đang dần vươn ra thế giới với nhiều sản phẩm, giá trị độc đáo được bạn bè quốc tế trân trọng và đón nhận.

“Những thành tựu to lớn đó là nhờ có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý sát sao của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và quảng đại quần chúng nhân dân, mà trực tiếp, nòng cốt là đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo, hiệu quả Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng khác nhau’, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng chỉ rõ, giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn; việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức mới khó khăn hơn.

Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.

Trước đó, trong diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, 80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương - bản “Tuyên ngôn về văn hóa” đầu tiên này vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa. Đó là vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; các nguyên tắc vận động của văn hóa; quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng cho tới các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế…

Ngay sau các bài phát biểu là chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử". Chương trình được chia thành 3 chương: Chương 1: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Chương 2: Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; Chương 3: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn". Các tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự góp mặt của những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng... Các tiết mục đã đưa khán giả trải qua những thanh âm, giai điệu hào hùng và thấm đẫm sắc màu văn hóa của các vùng, miền dân tộc. Trong đó hai ca khúc được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình là "Ngọn đuốc soi đường" (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh) và "Văn hóa trường tồn cùng dân tộc" (Trọng Đài).

ct-nghe-thuat.jpg
Chương trình gồm những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" đã góp phần làm nổi bật, khẳng định giá trị, vai trò, sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt 80 năm qua; đồng thời phản ánh những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.