Đề cương Văn hoá Việt Nam 1943 - 80 năm giá trị trường tồn

Hương Giang|27/02/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

80 năm về trước (tháng 2/1943- tháng 2/2023) Đề cương Văn hoá Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.

Văn kiện ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phátxít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.

de-cuong-vh.jpg
Đề cương văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo trong bối cảnh đặc biệt.

Trong bối cảnh ấy, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến 28/2/1943 để bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Trong văn bản quan trọng này, nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân đã sớm được xác định. Đề cương là trang bị cơ sở lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Văn hoá được coi là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hoá). Nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Cho đến thời điểm hiện nay, thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ba nguyên tắc này vẫn tiếp tục là nguyên tắc cơ bản, là "kim chỉ nam" trong chỉ đạo và hoạt động văn hoá.

Kế thừa, tiếp thu và phát triển

Kể từ sau năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương.

Tinh thần và nội dung của Đề cương Văn hóa 1943 được lĩnh hội và phát triển trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), bổ sung và cụ thể thêm các lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học, nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa. Nghị quyết này được coi là một tầm cao lý luận, bao quát khá đầy đủ lĩnh vực văn hóa. Nhiều chính sách cụ thể, phù hợp đã được áp dụng, góp phần xây dựng, nâng tầm văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Năm 2014, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được bổ sung bằng Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục kế thừa và cụ thể hóa Đề cương Văn hóa Việt Nam và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết 33 đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

80 năm kể từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thật sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, để dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã mang nội hàm và sức sống mới. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương. Đồng thời, bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác; vun đắp nên những giá trị mới, kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Nhìn lại hành trình 80 năm phát triển của dân tộc, của đất nước, những chặng đường đầy khó khăn đã qua và thành tựu của nền văn hóa Việt Nam đạt được, mới thấy giá trị to lớn của việc Đảng ta sớm nhìn thấy vai trò và định hướng đúng phát triển văn hóa, thể hiện bằng những văn bản trí tuệ và cơ sở mang tính lý luận cao. Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản cha ông ta để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển phù hợp với xu thế thời đại.

Lý luận tốt là cần, nhưng áp dụng đúng và linh hoạt những cơ sở lý luận đó vào tình hình thực tế mới là điều kiện đủ để giành thắng lợi. Vì vậy, việc nghiêm túc nghiên cứu những giá trị lịch sử, định hướng đúng và chọn lựa những giải pháp phù hợp vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng của chúng ta và các thế hệ con, cháu mai sau.

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

van-hoa.jpeg
Nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Hội thảo diễn ra ngày 27-2 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố.

Hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Hội thảo gồm 2 phiên với chủ đề: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, cùng phối hợp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan, diễn ra vào 20 giờ ngày 28-2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử".

Chiếu phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Với khối lượng hình ảnh, tư liệu đồ sộ, những thước phim sẽ chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phim dự kiến phát sóng vào 20 giờ 30 ngày 27-2 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam với thời lượng hơn 40 phút.

Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, diễn ra từ ngày 25-2 đến 3-3, trên phạm vi toàn quốc. Lễ khai mạc Tuần phim diễn ra vào 19 giờ ngày 25-2 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội).

Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Triển lãm góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Triển lãm tổ chức khai mạc vào 7 giờ 30 ngày 27-2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và ngày 28-2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dự kiến sẽ có khoảng 80 bức ảnh được trưng bày.

Ngoài ra, tại các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với các hình thức phù hợp, như: Tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu Đề cương về văn hóa Việt Nam…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cương Văn hoá Việt Nam 1943 - 80 năm giá trị trường tồn