Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác dự WEF Davos 2024

Hà My|16/01/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng ngày 16/1 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Zurich, Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024).

Ra sân bay đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai; các cán bộ Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và kiều bào Việt Nam tại Thụy Sĩ.

16-ttg-ts.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân

Dự kiến trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì, tham dự và phát biểu tại các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2024 như: Tọa đàm về hợp tác phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và ô tô; Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF; Đối thoại chính sách "Việt Nam - Định hướng tầm nhìn toàn cầu"; Tọa đàm về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam; phiên thảo luận "Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN".

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp WEF; đồng thời dự và phát biểu tại Tọa đàm về kinh nghiệm và mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế của Thụy Sĩ; tiếp các lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sĩ.

Việc Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị là cơ hội quan trọng để nắm bắt, tận dụng thời cơ, xu thế mới; chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về các vấn đề toàn cầu, khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam; thông tin rộng rãi về thành tựu, định hướng phát triển, qua đó thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích thiết thực với Thụy Sĩ.

Trí thức Việt tại Thụy Sĩ trông đợi chuyến công tác của Thủ tướng

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Geneva, nhiều trí thức Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ cho biết họ quan tâm tới các vấn đề thời sự mà Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia thảo luận, cũng như bày tỏ hy vọng vào thành công của chuyến công tác.

Cô Teresa Lien Freiburghaus, đang giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ, đã bày tỏ mong muốn Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác giảng dạy.

Cô chia sẻ: “Công nghệ ngày càng phát triển tác động tới tất cả các ngành nghề, trong đó có cả ngành giáo dục. Theo tôi, Việt Nam cần áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, tận dụng sức mạnh của công nghệ, qua đó đào tạo ra lực lượng lao động, đáp ứng yêu cầu của các công ty và nhu cầu phát triển của đất nước. Tôi hy vọng rằng chuyến công tác tại Davos của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là động lực để mọi người tìm ra giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại Việt Nam”.

Năm nay, hội nghị thường niên của WEF tai Davos cũng có chủ đề về sự phát triển của công nghệ, ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn, trưởng bộ phận về Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) tại công ty Move Digital AG ở Zurich, vai trò quan trọng nhất của phát triển công nghệ là cung cấp chuỗi giá trị nên Việt Nam cần tích cực thảo luận và tham gia vào quá trình này.

Ông nhấn mạnh: “Về vai trò Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn, tôi thấy đây là chủ trương đúng đắn của nước ta. Vì đây là xu hướng mới, có đóng góp rất nhiều cho các công nghệ hiện đại như Big Data, AI hay Internet… Tham dự hội nghị Davos là cơ hội để chúng ta tranh thủ sự phát triển công nghệ ở các nước để tăng cường hợp tác. Tôi tin rằng giới trí thức Việt ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm làm việc ở tập đoàn lớn sẵn sàng tham gia đóng góp vào quá trình phát triển các chuỗi công nghệ mới ở Việt Nam”.

Một trọng tâm khác của hội nghị tại Davos năm nay là về vấn đề biến đổi khí hậu. Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, người đang làm việc tại Học viện Wyss, Việt Nam đang đối diện với những thách thức liên quan tới vấn đề này nhưng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam.

Bà nhận định: “Chúng ta có tiềm năng lớn để đóng góp vào quá trình xử lý những vấn đề về biến đổi khí hậu, ví dụ như trở thành đối tác chiến lược trong tiến trình giảm phát thải toàn cầu vì chúng ta có tỷ lệ rừng khá lớn, và rừng là lá phổi xanh của toàn cầu, giúp hấp thụ CO2. Chủ đề liên quan tới giảm phát thải CO2, tín chỉ CO2 hay những nguồn tài chính bền vững… sẽ là những giải pháp cực kỳ hữu hiệu cho các nước, trong đó có Việt Nam, làm sạch chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi rất kỳ vọng vào chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao tới Davos. Đây cũng là cơ hội để thông tin về tình hình tại Việt Nam, cũng như chia sẻ với thế giới về những điểm mạnh hay giải pháp mà chúng ta có thể cùng với các nước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania
    Rạng sáng 16/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024, theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác dự WEF Davos 2024