Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiên cứu thông tin phản ánh ý kiến chuyên gia về cơ cấu nguồn nhiệt than trong Dự thảo Quy hoạch điện 8. Theo đó, một số cơ quan báo chí dẫn lời các chuyên gia đánh giá, trong Dự thảo Quy hoạch điện 8, cơ cấu nhiệt điện than vẫn được duy trì cho tới năm 2045 trong khi đó lợi thế về năng lượng tái tạo chưa được tận dụng, khai thác đúng mức.
Ảnh minh họa
Đồng thời, Dự thảo Quy hoạch điện 8 đang mâu thuẫn với quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà máy nhiệt điện than nên được thay thế bằng năng lượng khí đốt và năng lượng tái tạo.
Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công thương nghiên cứu, đánh giá trong quá trình xây dựng và trình duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Trước đó, góp ý vào Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện 8), các tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than, Liên minh Năng lượng Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Thực tế cho thấy, phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh nên phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người.
Châu Anh