(Moitruong.net.vn) – Nhiều năm nay, việc thi công dự án Cải thiện môi trường nước ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã làm nhiều tuyến đường bị sụt lún, hư hỏng. Hơn nữa, công tác hoàn trả mặt bằng vẫn còn khá chậm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đi lại của người dân.
Cuộc sống đảo lộn vì dự án Cải thiện môi trường nước
Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế có tổng mức đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Công trình được giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư. Dự án có 150km cống chung, 30km cống bao để thu gom nước mưa, xử lý nước thải và 7 trạm bơm để bơm chuyền về nhà máy. Dự án triển khai sẽ giúp thu gom, xử lý nước thải, thoát nước mưa ở 11 phường khu vực phía Nam sông Hương, TP Huế.
Thế nhưng, sau nhiều năm thi công dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế đã để lại nhiều hệ lụy cho cuộc sống của người dân. Theo người dân phản ánh, hiện nay, nhiều đoạn đã thi công hoàn thành nhưng chưa hoàn trả mặt bằng. Mặt đường lồi lõm rất khó đi. Nắng thì bụi mù mịt, còn mưa thì nước ngập lênh láng. Để hạn chế ô nhiễm bụi, những hộ ở gần mặt đường phải tưới nước hàng ngày nhưng nhà cửa lúc nào cũng bụi bặm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán bị ngưng trệ do ô nhiễm môi trường.
Người dân Tp.Huế phải sống trong cảnh bụi bặm bủa vây nhiều năm nay
Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt, việc thi công đường cống thoát nước còn làm nhiều nhà dân bị nứt, hư hỏng. Mới đây, đã có 9 căn nhà của người dân ở đường Bùi Thị Xuân bị nứt, sân và tường nhà bị hở ra từng mảng lớn, nguy cơ sập đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt khi mùa mưa bão đang gần kề khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.
Theo ghi nhận của phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, hiện, có nhiều tuyến đường đã làm xong nhưng việc hoàn trả mặt bằng chỉ được thực hiện một bên, nơi được đào xới để thi công cống thoát nước. Một số tuyến, dù có hoàn trả, xong chỉ hoàn trả ở những chỗ hư hỏng nặng, sụt lún theo kiểu chắp vá vừa mất thẩm mỹ, không đồng bộ và làm gồ ghề toàn tuyến đường.
Không chỉ ô nhiêm không khí, các nắp cống của dự án nhô cao lên mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Người dân phải dùng lá cây che nắp cống lại để cảnh báo nguy hiểm.
Hãy trả lại mặt đường như cũ!
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định, tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế đẩy nhanh tiến độ hoàn trả mặt bằng ở những tuyến đường đã thi công hoàn thành. Ông yêu cầu UBND TP Huế phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý đường bộ II.6, chủ đầu tư và Ban QLDA cải thiện môi trường nước quán triệt tất cả các nhà thầu thi công và đơn vị liên quan chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về thi công trên tuyến đường bộ đang khai thác.
Nhiều tuyến đường đã làm xong nhưng để lại những chiếc hố”bẫy người” tham gia giao thông
Ông Nguyễn Văn Cao cũng cho biết, hiện tỉnh đang có kiến nghị, đề nghị với Chính phủ, đơn vị hỗ trợ được sử dụng một phần kinh phí dự phòng để hoàn trả mặt bằng toàn bộ với những tuyến đường thi công sau này. Với những tuyến đường đã thi công trước đây có thể sử dụng ngân sách dành cho việc duy tu, sửa chữa, bảo trì đường bộ.
Tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát nắm tình hình để đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công, ban quản lý dự án để đạt tiến độ tốt nhất, đồng thời, giảm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
H.Đội