Sáng 17/8, tại TP Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1989 – 2019). Tham dự buổi lễ, có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Thừa Thiên Huế cho biết, sau 14 năm cùng phấn đấu dưới mái nhà chung, ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Như vậy, kể từ ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng xây và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Tiết mục văn nghệ chào mừng
Nền kinh tế tỉnh nhà đến nay đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 – 2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng.
Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả. Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu có thương hiệu đã bắt đầu tập trung về Thừa Thiên Huế. Giai đoạn 2009 – 2018 đã thu hút 387 dự án với tổng vốn đăng ký 100 nghìn tỷ đồng.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư, cải thiện, góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương. Các khu vực đô thị phát triển nhanh, từ 1989 đến nay đã thành lập mới nhiều thị trấn, thành lập 2 thị xã Hương Thuỷ và Hương Trà, thành phố Huế được công nhận là đô thị loại I từ năm 2001. Đặc biệt, đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng, ven biển. Tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đạt 97%. Có 99% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt trên 80%).
Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, với 7 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước cách mạng và bản sắc văn hóa Huế theo hướng bảo tồn – phát triển – hội nhập. Văn học – nghệ thuật, thể dục – thể thao phát triển đúng hướng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức quy mô, sôi động, phong phú với chất lượng ngày càng cao. Festival Huế trở thành một trong những lễ hội lớn, chuyên nghiệp, mang tầm quốc gia và quốc tế.
Tỉnh luôn nằm trong tốp cao của cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT); chính quyền điện tử xếp thứ 1 năm 2018. Mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế – mô hình vừa đoạt giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á” được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6/2018 đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.
Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm triển khai tích cực, đồng bộ, có chiều sâu trên diện rộng. Toàn tỉnh hiện nay chỉ còn 5,03% hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được chú trọng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với nước. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tạo sự đồng thuận xã hội. Các chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Huế – không tiếng còi xe”, “Thành phố4 mùa hoa”… được triển khai rộng khắp và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
“Những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như về trình độ và chất lượng; tạo thế và lực mới cho Thừa Thiên Huế trên con đường phát triển và hội nhập. Tuy không nằm trong tốp dẫn đầu các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng với xuất phát điểm của một tỉnh nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề và thường xuyên đối diện với thiên tai khắc nghiệt, thì mới thấy thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đạt được là một thành công vượt bậc, rất đáng trân trọng và tự hào” ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong đấu tranh cách mạng, nhân dân Thừa Thiên Huế với tinh thần “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” đã làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng, thì ngày nay tinh thần đó phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để xây dựng Thừa Thiên Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu đó, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ: Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.
Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm Giáo dục – Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học và Công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.
Gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác đối ngoại. Tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chuẩn bị và chỉ đạo tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Thừa Thiên Huế
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của đồng bào và các đồng chí trong quá trình dựng xây và phát triển. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kỳ Anh – Đinh Văn