Thừa Thiên – Huế: Nhiều ao đầm cá bị bệnh ghẻ lở

Phạm Thi|23/02/2017 04:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Vào những ngày đầu năm mới 2017, do ảnh hưởng nhiều đợt không khí lạnh, khiến tình hình mưa trên địa địa bàn vẫn còn tương đối cao, khiến độ mặn ao hồ bị giảm hẳn, gây ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản. Nhiều loại cá như cá đối, cá dìa, cá nâu bị ghẻ lở. Tôm sú, cua thịt bị còi cọc chậm phát triển.

Tại vùng đầm phá huyện Phú Vang, tỉnh TT – Huế, nhiều ao đầm nuôi trồng thủy sản, tình trạng cá bị ghẻ lở đang diễn ra trên diện rộng, tôm cua chậm phát triển. Theo ông Trần Dân, người nuôi trồng thủy sản tại đầm Phú An, huyện Phú Vang cho biết: cuối năm vừa qua, tình trạng cá đối, cá bống thệ bị ghẻ còn ít nhưng đến nay, tình trạng ghẻ đã trở nên nghiêm trọng, 3 ao đầm hơn 5 ha của ông đều bị.

Theo cơ quan chức năng, trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa…là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng “sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh.

2

Cá bống ở đầm phá huyện Phú Vang, Tỉnh TT – Huế bị ghẻ

Trong những ngày mưa lớn kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá, bệnh đóng rong ở tôm…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh ghẻ hay còn gọi là bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột…bộc phát và lây lan trên diện rộng.

Các biện pháp phòng bệnh cho tôm cá

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân. Nếu là do thiếu ô xy, cần giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/m3 nước để làm cho nước trong sạch. Đồng thời, tiến hành cải thiện chất lượng nước bằng cách tạt các chế phẩm vi sinh theo liều lượng khuyến cáo, duy trì môi trường thích hợp cho tôm, cá sinh trưởng và phát triển ổn định.

Thường xuyên theo dõi mực nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; Đặc biệt, trong những ngày thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh gây lãng phí, ô nhiễm chất lượng nước ao, đầm nuôi.

Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm trong sạch bằng cách định kỳ bón vôi, khoáng chất, chế phẩm vi sinh cho vuông, ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Đối với nuôi cá bống tượng, cá chình…do thường xuyên sử dụng thức ăn tươi sống và phải nuôi với thời gian dài từ 8-10 tháng, nên chất lượng vào các tháng cuối chuyển biến xấu. Người nuôi có thể sử dụng các loại hóa chất phổ biến như Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để chúng hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1-2 kg/100 m3 kết hợp với vôi nông nghiệp CaCO3 với liều lượng 1-2 kg/100 m3 nước, định kỳ 10 ngày/lần.

Người nuôi cũng có thể sử dụng vôi bột (Ca) cho vào túi và treo ở gốc ao, phía trên gió hoặc khu vực cho ăn để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Liều lượng sử dụng là 2-4 kg vôi/10 m3 nước, treo túi với khoảng cách bằng 1/2-1/3 độ sâu của nước trong ao. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác.

Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày, sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột, liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phạm Thi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên – Huế: Nhiều ao đầm cá bị bệnh ghẻ lở
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.