Thừa Thiên – Huế: Trùng tu, xây dựng Quốc Tử Giám thành bảo tàng Giáo dục khoa cử

Mai An (t/h)|12/05/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần nghiên cứu để xây dựng di tích này trở thành bảo tàng Giáo dục Khoa cử.

Ngày 11/5, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sớm nghiên cứu xây dựng bảo tàng Giáo dục khoa cử ngay tại không gian di tích Quốc Tử Giám sau khi các hiện vật Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế di dời đến địa điểm mới.

Ông Thọ giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sau khi tiếp nhận Quốc Tử Giám khẩn trương tháo dỡ hàng rào, chỉnh trang khuôn viên đảm bảo cảnh quan khu vực di tích và đồng bộ với dự án chỉnh trang vỉa hè đường 23 tháng 8; xây dựng di tích thành bảo tàng Giáo dục khoa cử dựa trên hệ thống tài liệu, cơ sở khoa học, lịch sử nhằm bảo tồn và phát huy giá trị.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cũng được yêu cầu lập kế hoạch tổ chức các cuộc thi, tôn vinh học sinh xuất sắc tại Quốc Tử Giám để học sinh hiểu rõ hơn vùng đất mình sinh ra, nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống dân tộc, giữ gìn các di sản văn hóa tốt hơn.

Ông Thọ đề nghị sau khi di dời, cần khẩn trương thực hiện tháo dỡ hàng rào, chỉnh trang khuôn viên Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế, đảm bảo cảnh quan khu vực di tích và đồng bộ với dự án chỉnh trang vỉa hè đường 23 tháng 8.

Các loại pháo hạng nặng, xe tăng, xe thiết giáp đang được trưng bày tại Quốc Tử Giám và sẽ được di dời. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế.

Đối với với các hiện vật trưng bày còn lại, cần sớm có kế hoạch, lộ trình di dời cụ thể trong giai đoạn tiếp theo, trả lại hiện trạng cho di tích Quốc Tử Giám.

Quốc Tử Giám được nhà Nguyễn lập ra dưới thời vua Gia Long với tên gọi Đốc học đường tại An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà để làm nơi đào tạo nhân tài của đất nước. Năm 1908, vua Duy Tân nhận thấy vị trí Quốc Tử Giám đặt tại An Ninh Thượng cách xa kinh thành nên dời về nằm bên trong kinh thành Huế như hiện nay tại số 1 đường 23 tháng 8.

Năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được thành lập, sử dụng di tích Quốc Tử Giám làm trụ sở trưng bày gần 30.000 hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế di dời các hiện vật khỏi Quốc Tử Giám về địa điểm mới tại 268 đường Điện Biên Phủ để bàn giao di tích cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trùng tu, bảo tồn.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Trùng tu, xây dựng Quốc Tử Giám thành bảo tàng Giáo dục khoa cử