Thực hành điểm du lịch "không rác" tại Quảng Nam

Gia Hân|22/09/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đang phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương triển khai nhân rộng mô hình thực hành không rác thải tại một số điểm du lịch tiêu biểu, hướng đến mục tiêu xây dựng nhiều điểm du lịch “không rác” trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa có buổi họp với chính quyền địa phương và các bên liên quan tại TP.Hội An nhằm bàn thảo kế hoạch triển khai dự án “Nhân rộng tiếp cận không rác thải tại các điểm du lịch tỉnh Quảng Nam”.

Đây là hoạt động khởi đầu dự án sau khi UBND tỉnh có công văn thống nhất chủ trương triển khai nhân rộng thực hành không rác thải ở một số điểm du lịch tiêu biểu tại xã Tam Thanh (trung điểm là làng bích họa) và phường Cẩm Phô (TP.Hội An) mà Hiệp hội Du lịch tỉnh đề nghị trước đó.

Bà Trần Thị Thu Hiền – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, mục tiêu chính của dự án nhằm hướng đến xây dựng các mô hình cộng đồng giảm rác theo cách tiếp cận không rác thải trong quản lý chất thải rắn tại điểm du lịch. Trước mắt, dự án tập trung vào 2 điểm là phường Cẩm Phô và xã Tam Thanh.

Hai nhà tài trợ dự án hiện nay gồm Trung tâm Tài nguyên và môi trường Thái Bình Dương (PE) và UN-Habitat, trong đó UN-Habitat chỉ tập trung tại xã Tam Thanh, dù vậy mô hình tại làng bích họa đến nay vẫn chưa triển khai được vì UN-Habitat chưa chuyển kinh phí.

diem-du-lich-khong-rac.jpg
Mô hình tuần hoàn rác thải của một doanh nghiệp du lịch tại Hội An

Do đó, trước mắt dự án chỉ triển khai tại phường Cẩm Phô, đây là địa phương gần trung tâm phố cổ. Dự kiến, khoảng 80 hộ dân và hộ kinh doanh thuộc phường Cẩm Phô sẽ được chọn thực hiện mô hình dự án với cách thức, quy trình khoa học từ kiểm toán rác thải, hình thành cơ sở phục hồi tài nguyên đến chính sách thực thi…

Cụ thể, với mô hình cộng đồng không rác thải sẽ triển khai theo 5 bước gồm giảm thiểu, tái sử dụng, ủ phân hữu cơ, phân loại để tái chế và loại bỏ. Hướng tới mục tiêu rác thải của mỗi hộ gia đình trong khu dân cư sẽ giảm thiểu theo tỷ lệ gồm rác hữu cơ (50%), rác ve chai gom (20%), rác nhựa (15%), rác khác (15%).

Với doanh nghiệp du lịch áp dụng quy trình vận hành không rác thải và quản lý rác thải tại nguồn góp phần xây dựng thành công điểm đến xanh du lịch Quảng Nam. Thời gian dự án kéo dài 1 năm, kinh phí 10 nghìn USD. “Dự án muốn thí điểm việc giảm rác thải nói chung, đặc biệt rác thải nhựa trong phố cổ, từ đó làm hạt nhân lan rộng ra các điểm khác giúp gia tăng giá trị cho phố cổ” - bà Hiền phân tích.

Bằng việc triển khai quyết liệt của ngành, các doanh nghiệp nên đã hạn chế rác thải, đặc biệt rác thải nhựa trong hoạt động du lịch được xác định là mục tiêu của ngành du lịch và các địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Thời gian qua, một số doanh nghiệp du lịch tại Hội An dần hạn chế sử dụng rác thải khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh.

Đến nay, hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch ttại Quảng Nam đã được cấp chứng nhận du lịch xanh về phát triển bền vững và không dùng rác thải nhựa một lần.

Tại Làng bích họa xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), những chuyển biến về việc “không rác” trong cộng đồng là khá rõ nét. Dễ thấy, trên tuyến đường Thanh niên ven biển khá dài qua làng bích họa (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh), một dãy thùng rác được đặt ngăn nắp trước nhà mỗi hộ dân.

Rác thải sinh hoạt và từ hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa ở khu vực này thật “khó có cơ hội” vương vãi bởi thùng rác dày đặc, ai cũng có thể tiện tay bỏ rác trước nhà mình vào thùng. Bởi vậy, trên tuyến đường chính qua làng bích họa và các ngõ ngách trong làng, rác thải được thu gom gần như triệt để.

Ông Nguyễn Hồng Lực - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Thanh cho biết, mô hình dân vận khéo “Vườn sạch, nhà đẹp, đường không rác” đã phát huy hiệu quả ở địa phương. Theo đó, ngoài hỗ trợ mua thùng rác đặt tại đường thanh niên và tuyến kè biển, hằng ngày có khoảng 10 tình nguyện viên (chủ yếu là đoàn viên thanh niên) tham gia nhặt rác bỏ vào thùng. Hằng tuần, chi hội phụ nữ cũng tổ chức thu gom, phân loại rác thải.

“Ở đây xe môi trường đến thu gom rác đều đặn vào hai tư sáu mỗi tuần. Phí thu gom rác của mỗi hộ dân cũng được thành phố hỗ trợ hơn một nửa, tạo điều kiện để ai cũng có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nói chung ý thức của cộng đồng đã chuyển biến rõ nét, nhưng khó khăn là do nằm sát biển nên vào mùa đông, rác tấp vào rất nhiều, thu gom không xuể” - ông Lực chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hành điểm du lịch "không rác" tại Quảng Nam