Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì

Lam Trinh |11/10/2023 17:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Chiều 11/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

11-ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam

Tại đầu cầu Hà Nội, cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, LĐ-TB&XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VPCP, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng hơn 2.000 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, hiệp hội doanh nghiệp.

Tham dự tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 30 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30/9/2023, toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 26.871 doanh nghiệp (3,15%) so cùng kỳ năm 2022; có 115.935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3.602 doanh nghiệp (3,21%) so cùng kỳ; số doanh nghiệp khôi phục kinh doanh là 23.260 doanh nghiệp, tăng 1.340 (6,11%) so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh là 80.532 doanh nghiệp, tăng 7.025 doanh nghiệp (9,56%); Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.450 doanh nghiệp, giảm 3.932 doanh nghiệp (8,48%) so cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 165.240 doanh nghiệp, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (132.818 doanh nghiệp).

Riêng trong quý III/2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.559 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn quý III kể từ trước đến nay, tăng 18% so cùng kỳ năm 2022 (50.459 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 10/17 lĩnh vực, gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (465 doanh nghiệp, tăng 15,1%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (240 doanh nghiệp, tăng 14,3%); thông tin và truyền thông (985 doanh nghiệp, tăng 6,9%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (816 doanh nghiệp, tăng 5,2%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (3.533 doanh nghiệp; tăng4,5%); kinh doanh bất động sản (1.827 doanh nghiệp, tăng 3,3%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (692 doanh nghiệp, tăng 3,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo (5.631 doanh nghiệp, tăng 0,9%); khai khoáng (362 doanh nghiệp, tăng 0,8%); xây dựng (6.305 doanh nghiệp; tăng 0,2%).

Số liệu trên cho thấy, nhờ những hành động và chính sách hiệu quả của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, niềm tin của các doanh nghiệp được củng cố.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho thấy những dự báo lạc quan hơn trong quý III và quý IV/2023. Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 tích cực hơn quý II/2023 với 67,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (30,1% tốt hơn và 37,5% giữ ổn định), 32,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2023 khả quan hơn quý III/2023 với 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (39,1% tốt hơn, 37,2% giữ ổn định), 23,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn…

11-ttg1.jpg
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp

Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Một niềm vui lớn đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn và khẳng định sẽ nỗ lực vươn lên, đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai để cùng nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu, kết quả đạt được của giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực hết mình của các doanh nhân, còn có yếu tố quyết định là sự lãnh đạo cùng sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nhân Việt Nam xin bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đã luôn ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Cách đây 19 năm, vào ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam". Đây cũng là ngày mà vào năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước. Bác viết: "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng".

Kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu.

Bài liên quan
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu
    Gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu trong cả nước, là thành viên của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng Chủ tịch nước cho rằng, thành công và con đường đi đến thành công của các nữ doanh nhân Việt Nam là “con đường đầy gian nan, không chỉ có hoa hồng mà rất gập ghềnh, khúc khuỷu, rất gian truân và đòi hỏi nhiều nỗ lực”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì