Thủy điện Pắc- Beng (Lào) và những tác động đáng ngại xuyên biên giới

Thắng Nam|06/05/2017 02:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)  -Việc chỉ ưu tiên về phát điện, ít quan tâm đến môi trường trong thiết kế của dự án này đang gây ra những tác động không nhỏ tới ĐBSCL.

Tại hội thảo Tham vấn dự án (DA) thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông ngày 5.5, ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng thường trực Ủy ban Sông Mê Kông VN, cho biết DA thủy điện Pắc-Beng thuộc H.Pắc Beng, tỉnh Oudomxay, Lào, cách thủ đô Vientiane hơn 600 km về phía thượng lưu, cách biên giới VN 1.933 km.

Công trình Pắc-Beng có công suất thiết kế 912 MW, điện lượng 4,765 GWh, chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan (90%). Chủ đầu tư là Công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc.

Được biết thiết kế công trình chỉ ưu tiên về phát điện, ít quan tâm đến môi trường và thiếu phần đánh giá tác động xuyên biên giới đến các quốc gia hạ lưu khác và không đánh giá tác động xuyên biên giới của hệ thống công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công. Thiết kế đập Pắc-Beng sẽ giữ lại hầu hết bùn cát đáy, việc xả phù sa bùn cát chủ yếu nhằm bảo vệ công trình, làm hao hụt lượng lớn tại phía hạ lưu đập. Tác động tích lũy của dự án Pắc – Beng sẽ làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn, tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16 – 20% dân số ĐBSCL.

Trước những quan ngại về tác động của các hoạt động phát triển thượng nguồn nói chung và công trình thủy điện Pắc – Beng nói riêng đối với ĐBSCL, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển yêu cầu quá trình tham vấn cho dự án sẽ đưa ra được những khuyến nghị với Chính phủ làm sao để chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động; hướng tới mục tiêu sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước cũng như các tài nguyên liên quan lưu vực sông Mê Công.

Thứ trưởng hy vọng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng như các Bộ, ngành tiếp tục có những kiến nghị đến Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công về dự án liên quan đến đánh giá toàn diện, đánh giá tích lũy, tác động xuyên biên giới đối với ĐBSCL…và những giải pháp cho cả phía Lào và Chính phủ Việt Nam chủ động ứng phó không chỉ khi công trình đã hoàn thành mà thể hiện cả trong quá trình thiết kế, thi công, đặc biệt là quá trình vận hành sau này. 

Lãnh đạo Ủy ban Sông Mê Kông cho biết, tất cả các ý kiến sẽ được ghi nhận, tổng hợp để trình Chính phủ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế trong thời gian tới.

Thắng Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện Pắc- Beng (Lào) và những tác động đáng ngại xuyên biên giới