Thủy Nguyên (Hải Phòng) – Bài 3: Bất chấp lệnh cấm, Trạm trộn bê tông A Tám vẫn tiếp tục hoạt động, chính quyền ở đâu?

Anh Quang – Thùy Dương|11/11/2020 03:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bỏ ngoài tai kết luận của phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc đình chỉ và yêu cầu di dời trạm bê tông A Tám trước ngày 30/10/2020. Đến nay, trạm bê tông A Tám vẫn bất chấp pháp luật, tiếp tục hoạt động trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

VIDEO: Thủy Nguyên (Hải Phòng): Trạm trộn bê tông A Tám tiếp tục hoạt động, Ai đang “bảo kê”?

Hoạt động bất chấp “lệnh cấm”

Như Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã đăng tải trong các bài viết trước về trạm bê tông A Tám của công ty Cổ phần thương mại bê tông Hợp Thành tại thôn 5, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép về đất đai, xây dựng, môi trường, đê điều nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay, dù UBND xã An Sơn đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, tại thông báo kết luận số 708/TB – UBND ngày 19/10/2020 của Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển yêu cầu: UBND xã An Sơn đình chỉ hoạt động của trạm bê tông A Tám – Công ty CP thương mại bê tông Hợp Thành kể từ ngày 25/10/2020. Yêu cầu công ty Hợp Thành dừng mọi hoạt động của trạm trộn bê tông A Tám khi chưa thực hiện đúng quy định về thuê đất. Chủ tịch UBND xã An Sơn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện trong việc nếu để trạm bê tông A Tám tiếp tục hoạt động kể từ sau ngày 25/10/2020.

Công ty Hợp Thành hoàn thiện các thủ tục thuê đất của UBND thành phố, đảm bảo đúng theo quy định. Dừng mọi hoạt động của công ty trên phần diện tích đất đang sử dụng trái phép nêu trên. Di chuyển toàn bộ tài sản máy móc, thiết bị đang tập kết trên đất và trả lại hiện trạng ban đầu của đất xong trước ngày 30/10/2020.

>>> Hải Phòng – Bài 3: UBND huyện An Lão cần quyết liệt xử lý nghiêm các cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường

Theo ghi nhận của PV vào ngày 4/11/2020 mọi hoạt động của trạm bê tông A Tám vẫn diễn ra bình thường, các xe chở bê tông nối đuôi nhau chạy “tung tăng” trên đường.

Kết luận đã nêu rõ ràng là thế, tuy nhiên theo ghi nhận của PV vào ngày 4/11/2020 mọi hoạt động tại trạm bê tông A Tám vẫn diễn ra bình thường, không có bất cứ biểu hiện tháo dỡ, di dời nào. Những dãy nhà điều hành, 6 xilo cùng máy móc, vật liệu đá, cát vẫn được tập kết sát mép sông gây ảnh hưởng đến đê điều, các xe bồn chở bê tông vẫn ra vào tấp nập, chạy tung tăng trên đường. Nước thải trong quá trình rửa bồn, sản xuất bê tông được xử lý sơ sài rồi xả thẳng ra sông Cấm. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, công ty Hợp Thành còn ngang nhiên lắp đặt máy bơm gần sông để khai thác nước mặt trái phép phục vụ cho hoạt động của công ty và trạm bê tông.

Vật liệu cát sỏi được tập kết sát mép sông gây ảnh hưởng đến đê điều.

Công ty Hợp Thành còn ngang nhiên lắp đặt máy bơm sát mép sông để khai thác nước mặt trái phép.

Nước thải trong quá trình sản xuất bê tông của công ty Hợp Thành được xử lý sơ sài rồi xả thẳng ra sông Kinh Thầy

Chất thải bê tông vẫn chưa được công ty Hợp Thành thu gom, lưu giữ xử lý đúng quy định, thay vì thuê một đơn vị có chức năng xử lý thì công ty Hợp Thành lại san phẳng mặt bằng khu đất đổ chất thải bê tông mượn của dân trước đó. Cùng với đó, một phần chất thải bê tông lại được công ty Hợp Thành đổ tràn lan ra chân núi giáp địa phận xã Phù Ninh.

Chất thải bê tông được công ty Hợp Thành tiếp tục đổ trái phép, không đúng nơi quy định tại địa phận sát chân núi xã Phù Ninh.

Trái ngược lại với những hình ảnh PV đã ghi nhận được, ông Cao Văn Chí – Chủ tịch UBND xã An Sơn lại khẳng định trạm bê tông A Tám đã dừng hẳn hoạt động.

Sau khi UBND huyện Thủy Nguyên có kết luận UBND xã đã thiết lập văn bản đình chỉ hoạt động của trạm bê tông A Tám, giao cho công an xã và cán bộ địa chính theo dõi việc đình chỉ, lắp hệ thống camera giám sát hoạt động của trạm bê tông A Tám. Sau đó đã phối hợp với hạt quản lý đê điều và phòng nông nghiệp lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tuấn. Từ ngày 25 đến nay trạm bê tông A Tám đã dừng hoạt động, ông Chí cho hay.

Ông Cao Văn Chí – Chủ tịch UBND xã An Sơn khẳng định trạm bê tông A Tám đã dừng hoạt động trong khi những hình ảnh PV ghi nhận được lại hoàn toàn trái ngược.

Ông Đào Văn Hưởng – Cổ phần với trạm bê tông A Tám thừa nhận: Trạm bê tông đang hoạt động là sai trái do chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ.

Bên cạnh đó, ông Hưởng còn viện vào lí do xây dựng nông thôn mới để xây dựng trạm bê tông và cho rằng trạm hoạt động không có gì gây ô nhiễm. Lý giải lí do không di dời ông Hưởng cho rằng “hiện nay trạm bê tông không hoạt động thì không có gì vi phạm”.

Ông Đào Văn Hưởng – Cổ phần với trạm bê tông A Tám thừa nhận: Trạm bê tông đang hoạt động là sai trái do chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ.

Được biết, tại biên bản vi phạm hành chính số 171/BB- VPHC ngày 2/11/2020 của hạt quản lý đê điều Thủy Nguyên lập đối với ông Nguyễn Văn Tuấn đã có các hành vi vi phạm hành chính: Vi phạm quy định về xây dựng nhà, công trình trái phép tại bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng. Cụ thể: Xây dựng, lắp đặt trạm trộn bê tông ngoài bãi sông với diện tích khoảng 427m2 (Trạm gồm 06 xilo, băng chuyền, bể chứa và 02 phễu chứa vật liệu) tại vị trí Km4+600 đê Tả Cấm, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên. Quy định tại điểm c, khoản 1, điều 21 nghị định số 104/2017/NĐ – CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Cùng ngày, hạt quản lý đê điều Thủy Nguyên đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật đê điều đối với ông Tuấn.

>>> Thủy Nguyên (Hải Phòng) Bài 2: Đình chỉ hoạt động Trạm bê tông A Tám và yêu cầu di dời trước ngày 30/10/2020

Hạt quản lý đê điều Thủy Nguyên đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật đê điều đối với ông Nguyễn Văn Tuấn vì hành vi xây dựng lắp đặt trạm trộn bê tông trái phép ngoài bãi sông

Tuy nhiên, một thực trạng đang hiện hữu rất rõ từ những năm qua, dù UBND xã An Sơn đã ra nhiều lần thông báo yêu cầu trạm bê tông A Tám tạm dừng hoạt động nhưng trạm trộn này vẫn không chấp hành, hoạt động như chốn “vô pháp luật”. Ngay đến chỉ đạo của phó chủ tịch UBND huyện mà công ty Hợp Thành còn phớt lờ, bỏ ngoài tai, coi như không hay không biết, không chịu di dời, tháo dỡ. Phải chăng tại huyện Thủy Nguyên pháp luật không được thực thi đúng quy định nên để doanh nghiệp coi thường, “nhờn luật”? Hay có “thế lực ngầm” nào đứng sau ưu ái, tạo điều kiện cho công ty Hợp Thành hoạt động bất chấp pháp luật?

Trách nhiệm chính quyền ở đâu?

Liên quan đến trách nhiệm của UBND xã An Sơn về công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn trong việc kiểm tra, đình chỉ hoạt động của trạm bê tông A Tám thì ông Chí lại cho rằng “đã làm tròn trách nhiệm vì xã đã lập biên bản, thông báo đình chỉ, báo cáo đầy đủ. Tại kết luận 708/TB – UBND ngày 19/10/2020 cũng chỉ giao cho UBND xã An Sơn đình chỉ hoạt động của trạm bê tông A Tám – Công ty CP thương mại bê tông Hợp Thành kể từ ngày 25/10/2020. Còn công ty Hợp Thành phải có trách nhiệm di chuyển toàn bộ tài sản, máy móc thiết bị và trả lại nguyên trạng.

Vậy thời hạn để công ty Hợp Thành di dời đến bao giờ, xã đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế chưa? Ông Chí trả lời: Công ty hứa sẽ di dời nên xã chưa xây dựng kế hoạch cưỡng chế.

Như vậy là vị chủ tịch xã An Sơn tin vào “lời hứa” của doanh nghiệp nên mới không xây dựng kế hoạch cưỡng chế, không có các biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết vi phạm của trạm bê tông A Tám. Nếu “lời hứa” của công ty Hợp Thành không được thực hiện như đã “hứa” thì UBND xã An Sơn vẫn sẽ để cho vi phạm tồn tại hết ngày này qua tháng khác chăng? Như vậy là đang vô hình chung “tiếp tay” cho công ty Hợp Thành nối dài sai phạm. Đến khi nào vi phạm của công ty Hợp Thành mới được xử lý dứt điểm?

Tại thông báo kết luận cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND xã An Sơn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện trong việc nếu để trạm bê tông A Tám tiếp tục hoạt động kể từ sau ngày 25/10/2020.

Khi trạm bê tông A Tám vẫn tiếp tục hoạt động. những bãi cát, đá vẫn được trạm trộn bê tông A Tám tập kết chất cao như núi, sát mép sông Cấm, tại đây nước thải bê tông không được thu gom, xử lý theo quy định mà xả thải trực tiếp ra sông Cấm nhìn những dòng nước thải bê tông màu xám thải cuồn cuộn ra môi trường, ai sẽ chịu trách nhiệm và đứng ra ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật bảo vệ môi trường của trạm trộn bê tông A Tám? Các cơ quan liên quan và ông Cao Văn Chí – Chủ tịch UBND xã An Sơn sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước chủ tịch UBND huyện? Những sai phạm của trạm trộn bê tông A Tám có được lãnh đạo Thành phố Hải Phòng quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm?

Điều đáng nói, khi PV đang ghi hình tác nghiệp đột nhiên có 1 người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi xuất hiện và có những lời lẽ xúc phạm, cản trở PV tác nghiệp, không dừng lại một lúc sau tiếp tục xuất hiện người đàn ông đi xe máy đến gây khó khăn cho phóng viên. Vậy động cơ của 02 người đàn ông này là gì? có hay không những người đàn ông lạ này là cổ phần của Trạm trộn bê tông A Tám, xuất hiện gây khó khăn cho PV nhằm che giấu những sai phạm của trạm trộn bê tông A Tám?

Khi PV đang tác nghiệp đột nhiên có 1 người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi và 1 thanh niên đi xe máy biển kiểm soát 15G1- 33405 xuất hiện có những lời lẽ xúc phạm và cản trở PV tác nghiệp.

Đề nghị lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo huyện ủy, UBND huyện Thủy Nguyên cùng các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc chỉ đạo làm rõ danh tính người đàn ông trên và xử lý theo quy định. Đồng thời xử lý dứt điểm, triệt để vi phạm của công ty Hợp Thành.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Anh Quang – Thùy Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủy Nguyên (Hải Phòng) – Bài 3: Bất chấp lệnh cấm, Trạm trộn bê tông A Tám vẫn tiếp tục hoạt động, chính quyền ở đâu?