Thủy Nguyên (Hải Phòng) – Bài 1: Trạm bê tông A Tám xây dựng trái phép, xã An Sơn đã làm hết trách nhiệm?

16/10/2020 09:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trạm trộn bê tông  thương phẩm không phép A Tám  được ông Nguyễn Văn Tuấn xây dựng trên đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Dù UBND xã An Sơn đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu trạm trộn tạm dừng hoạt động nhưng đến nay ông Tuấn vẫn không chấp hành, ngày đêm hoạt động gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường.

VIDEO: Xã An Sơn (Thủy Nguyên): Trạm bê tông A Tám xây dựng trái phép, xã An Sơn đã làm hết trách nhiệm?

Theo tìm hiểu, ngày 22/7/2016, UBND xã An Sơn đã ký hợp đồng với ông Đào Quang Hòa về việc giao khoán quỹ đất bãi ngoài đê, dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với diện tích 3.203m2, thời hạn hợp đồng là 5 năm. Năm 2018, ông Hòa có ký hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Tuấn để xây dựng trạm trộn bê tông A Tám. 

Theo phản ánh của người dân thôn 5, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, từ khi trạm bê tông A Tám đi vào hoạt động đến nay thường xuyên gây bụi bặm, tiếng ồn, nước thải từ trạm trộn không được xử lý mà xả trực tiếp ra sông Kinh Thầy gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của các hộ dân nơi đây. 

Trạm bê tông A Tám của ông Nguyễn Văn Tuấn đang hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Người dân xã An Sơn cho biết: “Trạm bê tông A Tám hoạt động gây bụi lắm, nếu mở cửa ra thì từ hôm nay đến sáng mai bụi cứ tầng tầng lớp lớp trắng như vôi, Xe chở bê tông đi lại suốt đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân”. 

Một người dân khác chia sẻ: “Hàng ngày các xe chở bê tông trọng tải lớn ra vào trạm bụi bặm lắm, bụi bay vào lúa khiến lúa đang chuẩn bị giỗ nhưng không giỗ được. Mỗi khi đổ cát, xi măng bụi bay vào nhà dân nhiều lắm. Họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, xe ra vào tuýt còi inh ỏi. Nước thải thì xả trực tiếp ra sông Kinh Thầy”.

Người dân thôn 5 xã An Sơn cho biết các xe chở bê tông trọng tải lớn ra vào trạm bê tông A Tám gây bụi bặm, tiếng ồn ảnh hưởng hưởng đến cuộc sống người dân

Làm việc với PV, ông Mạc Thanh Thịnh – Cán bộ địa chính xã An Sơn cho biết: “Trạm bê tông A Tám từ xã Hợp Thành chuyển lên do ông Tuấn làm chủ, đang hoạt động trên đất bãi bổi. Trong quá trình hoạt động họ đổ bã bê tông ở địa phận giáp ranh giữa núi An Sơn và Phù Ninh, UBND xã đã yêu cầu họ dọn đi thì họ lại mượn đất của các hộ dân để đổ bã bê tông sang bên kia đường. UBND xã cũng đang yêu cầu ông Tuấn dọn dẹp, trả lại nguyên trạng nhưng chưa dọn xong”. 

Ông Mạc Thanh Thịnh – Cán bộ địa chính xã An Sơn cho biết xã đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu ông Tuấn dừng hoạt động sản xuất bê tông nhưng ông Tuấn không chấp hành

Khi phóng viên hỏi: “Vậy, đất bãi bồi có được phép sản xuất bê tông hay không?”, thì được ông Thịnh cho biết: “Từ khi họ lắp đặt trạm ở đấy nhưng cán bộ trước làm không rõ ràng nên bây giờ xã phải báo cáo huyện xử lý liên tục. Đến bây giờ thủ tục pháp lý liên quan để hoạt động sản xuất bê tông ông Tuấn chưa có đầy đủ. Từ sở đến huyện đã về kiểm tra rất nhiều lần rồi đề nghị xã ra thông báo yêu cầu ông Tuấn dừng hoạt động sản xuất bê tông nhưng họ có dừng đâu. Họ lấy lí do là xây dựng nông thôn mới để phục vụ bà con nên bao nhiêu đoàn về làm việc rồi vẫn vậy”.

Ông Tuấn còn mượn đất của các hộ dân để đổ bùn thải, bã bê tông thừa bên kia đường

Được biết, ngày 4/3/2019, các phòng ban huyện Thủy Nguyên đã phối hợp với UBND xã An Sơn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường của trạm bê tông A Tám do ông Tuấn làm chủ.

Tại buổi làm việc đoàn kiểm tra đã ghi nhận ông Tuấn xây các hạng mục công trình: Cột bê tông cốt thép đỡ 2 silo, móng bể chứa, móng đỡ thiết bị, nhà chứa xây dựng gạch ba banh, mái tôn; nhà ở công nhân, nhà bảo vệ, 1 trạm cân điện tử và tập kết vật liệu xây dựng. 

Mỗi khi xe chở bê tông về đều được súc rửa, nước thải sau khi súc rửa không được xử lý

Theo ý kiến của ông Tuấn, tháng 8/2018 ông cho triển khai xây dựng công trình đến tháng 1/2019 đi vào hoạt động kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh trạm trộn bê tông A Tám do ông Tuấn làm chủ và giao UBND xã An Sơn giám sát việc đình chỉ hoạt động của trạm trộn bê tông. 

Như vậy, từ tháng 8/2018 ông Tuấn đã lắp đặt trạm trộn bê tông nhưng phải đến tháng 3/2019 sau khi các công trình phục vụ sản xuất bê tông của ông Tuấn đã hoàn thành xong xuôi, quy hoạch đâu vào đấy thì huyện Thủy Nguyên và xã An Sơn mới vào cuộc kiểm tra, đình chỉ hoạt động. Vậy, trong khoảng thời gian trạm trộn đang lắp đặt thì chính quyền xã An Sơn ở đâu? Vì sao không kịp thời vào cuộc xử lý đình chỉ, cưỡng chế vi phạm ngay từ khi công trình đang còn manh nha?. Phải chăng UBND xã An Sơn đang “bật đèn xanh”, tạo điều kiện, ưu ái cho trạm bê tông A Tám hoạt động? 

Các xe chở bê tông của ông Tuấn chạy rầm rộ, gây bụi bặm, ảnh hưởng đến giao thông, đường sá

Từ 2019 đến nay, UBND xã An Sơn đã 4 lần ra thông báo yêu cầu ông Tuấn tạm dừng hoạt động sản xuất của trạm trộn  trộn bê tông. Tuy nhiên, đến nay ông Tuấn vẫn mặc kệ, “phớt lờ” các thông báo của UBND xã An Sơn ngang nhiên hoạt động bất chấp các quy định. 

Ngày 23/3/2020. UBND xã An Sơn có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tuấn. Tại buổi làm việc ông Tuấn nêu ý kiến: “Lắp đặt trạm bê tông mục đích phục vụ bà con nhân dân trong xã cũng như chương trình nông thôn mới. Tại thời điểm hiện tại đang tự nguyện tháo dỡ trạm trộn cũ (công suất lớn), thu nhỏ diện tích cũng như công trình trạm trộn. Tuy nhiên trong quá trình tháo dỡ, lắp đặt do dịch bệnh nên việc tháo dỡ thu gọn trạm trộn bị ảnh hưởng do công nhân khan hiếm. Tôi cam kết có trách nhiệm tự tháo dỡ trạm trộn cũ xong trước ngày 31/3/2020 và có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chỉ lắp đặt  khai thác sử dụng trạm trộn nhỏ khi các cấp có thẩm quyền cho phép”. 

UBND xã An Sơn đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu trạm bê tông của ông Tuấn tạm dừng hoạt động nhưng ông Tuấn không chấp hành

Đoàn kiểm tra UBND xã An Sơn tiếp tục yêu cầu ông Tuấn nghiêm túc thực hiện theo đúng cam kết, thực hiện tháo dỡ xong trước ngày 31/3/2020. Dừng ngay việc thi công lắp đặt trạm trộn nhỏ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. 

Dù đã cam kết chắc như đinh đóng cột như vậy, nhưng theo ghi nhận của PV vào tháng 10/2020 trạm bê tông của ông Tuấn vẫn hoạt động nhộn nhịp, xe bồn ra vào tấp nập, bã bê tông vẫn được đổ, tập kết ngay bên kia đường và chưa có bất kì động thái di dời nào. 

Một điều lạ là UBND xã An Sơn đã thanh lý hợp đồng với ông Hòa từ năm 2019 vì đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép từ sản xuất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản sang sản xuất bê tông. Tiếp theo UBND xã An Sơn tiếp tục ra thông báo yêu cầu ông Tuấn tạm dừng hoạt động của trạm trộn bê tông nhiều lần nhưng ông Tuấn không chấp hành thì UBND xã An Sơn vẫn “kiên nhẫn” tiếp tục ra thông báo tạm dừng hoạt động mà không hề đưa ra biện pháp xử lý mạnh tay như báo cáo UBND huyện ra quyết định xử lý cưỡng chế vi phạm. 

Theo quy định khi chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan thì trạm bê tông của ông Tuấn phải dừng hoạt động, di dời toàn bộ máy móc, vật liệu đi nơi khác, trả lại nguyên trạng. Thế nhưng, những thông báo mà UBND xã An Sơn chỉ “nhắc nhẹ” là tạm dừng. Một vi phạm lớn, vậy mà UBND xã An Sơn lại xử lý rất nhẹ nhàng, nương tay, không kiên quyết khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã An Sơn. Là do xã An Sơn dang buông lỏng quản lý hay dã “có gì đó” ở đây?

Kính đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Thủy Nguyên nhanh chóng chỉ đạo cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng vào cuộc xử lý triệt để vi phạm của trạm bê tông A Tám và các tổ chức, các nhân có biểu hiện bao che cho sai phạm. 

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

Thùy Dương – Hải Phong


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủy Nguyên (Hải Phòng) – Bài 1: Trạm bê tông A Tám xây dựng trái phép, xã An Sơn đã làm hết trách nhiệm?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.