Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện tại có 42 điểm sạt lở với chiều dài trên 4.800m, kinh phí trên 152 tỷ đồng, có quy mô lớn và nguy hiểm vượt quá nguồn ngân sách cấp huyện cần phải được xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản của người dân và kết hợp ngăn lũ, triều cường trong thời gian tới.
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang nhận được các báo cáo, tờ trình của UBND các địa phương đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý các điểm sạt lở này do vượt quá ngân sách cấp huyện.
Trên cơ sở rà soát, xác định cụ thể các công trình đã và đang thi công, các công trình chưa triển khai thi công của UBND các huyện, thị xã Cai Lậy, Sở NN-PTNT có ý kiến và đề xuất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh Tiền Giang bố trí kinh phí trên 108 tỷ đồng để quyết toán và đầu tư cho 30 công trình xử lý sạt lở cấp bách.
Cụ thể, đối với các công trình đã triển khai thi công, hiện trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Chợ Gạo có 5 công trình xử lý sạt lở với chiều dài trên 1.100m, kinh phí trên 40 tỷ đồng đã được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng. Do các công trình có quy mô lớn nên nguồn ngân sách cấp huyện chưa thể bố trí kinh phí để thanh quyết toán nên Sở NN-PTNT đề xuất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh cho các địa phương.
Đối với các công trình chưa triển khai, trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy còn 37 điểm sạt lở với chiều dài trên 3.700m, kinh phí trên 112 tỷ đồng, có quy mô lớn và vượt quá nguồn ngân sách cấp huyện. Trước mắt, Sở NN-PTNT đề xuất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ khoảng 68 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho các địa phương thực hiện xử lý khẩn cấp 25 điểm sạt lở với chiều dài trên 2.800m.
Đối với 34 điểm sạt còn lại với chiều dài trên 2.300m, ước kinh phí khắc phục khoảng 92 tỷ đồng, Sở NN-PTNT Tiền Giang đề nghị tùy theo mức độ khẩn cấp mà UBND huyện, thị xã Cai Lậy sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để bố trí từ nguồn ngân sách cấp huyện để xử lý.