Tiền Giang cần xử lý, khắc phục khẩn cấp nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng

Cẩm Anh|07/03/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND tỉnh Tiền Giang giao các địa phương rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý.

Theo thống kê, Tiền Giang hiện còn 98 điểm sạt lở lớn, tổng chiều dài gần 4.200 m. Nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý khẩn cấp để bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.

Được biết, sạt lở tại đây vẫn đang có diễn biến khó lường, chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Khu vực sạt lở bờ kênh 28 qua địa bàn huyện Cái Bè có tổng chiều dài khoảng 3.300 m, ảnh hưởng đến 1.320 hộ dân đang sinh sống ven kênh.

tiengiang.jpg
Bờ sông Tiền, đoạn thuộc xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bị sạt lở. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Điểm sạt lở khu vực vàm Kỳ Hôn trên kênh Chợ Gạo (thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) có chiều dài khoảng 1.500 m (mỗi năm mất 2.000 m2 đất), ảnh hưởng đến 2.549 hộ dân với hàng chục ngàn nhân khẩu. Hiện, trên 100 hộ dân ấp Tân Hòa (xã Xuân Đông) - địa bàn sạt lở nặng nề mong muốn được Nhà nước đầu tư tuyến kè kiên cố dài khoảng 530 m để khắc phục, bảo vệ bờ kênh, đê điều và vườn cây.

Bình quân mỗi năm, tại xã Tân Phong (Huyện Cai Lậy) sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 2 - 3 m, diện tích đất sản xuất bị mất lên đến 2 - 3 ha, ảnh hưởng 410 ha vườn cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao cũng như hàng ngàn hộ dân.
Được biết, Xã Tân Phong có khoảng 30 hộ dân sống dọc theo đê bao sông Tiền từng phải di dời nhiều lần do thiên tai, sạt lở. Ông Hồ Văn Đức (ấp Tân Thiện) cho biết, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông mất gần 1.000 m2 đất do sạt lở, đời sống rất khó khăn.

Sông Ba Rài là một trong những tuyến sông sạt lở nặng nề nhất vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh. Tuyến sông này chảy qua huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã có hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ. Trong đó, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng phải đầu tư kinh phí lớn để xử lý, khắc phục.

Trước tình hình này, UBND tỉnh giao các địa phương rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý. Những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư. Các điểm phức tạp, tỉnh sẽ đầu tư khắc phục trên cơ sở huy động nguồn lực địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Năm 2022, Tiền Giang đã đầu tư trên 86,6 tỷ đồng xử lý 104 điểm sạt lở với chiều dài 5.020 m. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ xử lý 58 điểm sạt lở lớn, nghiêm trọng và ngân sách cấp huyện xử lý 46 điểm còn lại.

Đến năm 2023, tỉnh tiếp tục khẩn trương triển khai nhiều công trình phòng, chống sạt lở như: công trình Kè chống sạt lở bờ kênh 28, chiều dài 706 m, kinh phí đầu tư trên 57,5 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn cù lao Tân Long, chiều dài 700 m, kinh phí gần 48 tỷ đồng.

Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ triển khai Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cái Bè, huyện Cái Bè, quy mô đầu tư 300 tỷ đồng nhằm bảo vệ 560 ha đất sản xuất cũng như an toàn tính mạng và tài sản nhân dân địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tiền Giang cần xử lý, khắc phục khẩn cấp nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.