Phương án mà ngành nông nghiệp Tiền Giang đưa ra là trong trường hợp độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn, huyện Chợ Lách, cách sông Tiền 9km từ 1,5 đến 2g/l và có xu thế tiếp tục tăng sẽ tiến hành thi công 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài và Phú An. Đồng thời, tổ chức 3 điểm bơm chuyền tại các cống: Đông Tà Lượt, Tây Tà Lượt, cống 26/3… nếu xảy ra thiếu nước do thi công 3 đập thép ngăn mặn.
Về lâu dài, sẽ đề xuất làm các đập thép kiên cố như các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 đã hoàn thành.
Sáng ngày 23/1, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã khảo sát các vị trí dự kiến thi công đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên sông Trà Tân và sông Ba Rài (thuộc huyện Cai Lậy). Các đập thép đã được các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng để thi công khi độ mặn tăng cao đến khu vực này. Vị trí làm đập đã được khảo sát, nghiên cứu kỹ đảm bảo ngăn mặn khép kín phía bên trong và tiết kiệm chi phí. Riêng vùng cây ăn trái phía ngoài đập thép, hệ thống cống ngăn mặn tại các khu vực này cũng đã được khép kín, đảm bảo ngăn mặn, triều cường, thoát nước phục vụ sản xuất.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng đến khảo sát tình hình vận hành các giếng khoan, các vị trí dự kiến đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Hiện nay, 7 giếng khoan của xã đã sẵn sàng để vận hành khi mặn xâm nhập. Ngoài ra, xã Ngũ Hiệp dự kiến sẽ đắp đập tạm tại 5 vị trí cửa sông giáp với sông Tiền và Năm Thôn. Hiện nay, các đập đã được thiết kế phương án xây dựng và sẵn sàng thi công nếu mặn xâm nhập tới.
Tại xã Ngũ Hiệp, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã có phương án phòng, chống hạn, mặn trên tinh thần chủ động cao nhất. Chính quyền địa phương phải sẵn sàng vận hành các giếng khoan để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập tới. Chính quyền địa phương phải tuyên truyền người dân tích trữ nước ngọt, nạo vét các mương vườn để tăng lượng nước tích trữ. Đồng thời, theo dõi tình hình xâm nhập mặn để chủ động bảo vệ sản xuất.