Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về các KCN tập trung. Việc xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện cho tỉnh huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra không ít hệ lụy cho môi trường. Song bằng các giải pháp như: Chi ngân sách đầu tư các công trình, dự án bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm tra, giám sát và hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp (DN) thứ cấp thực hiện các quy định, Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được các nguồn thải công nghiệp.
Cụ thể, về nước thải, hiện 31 KCN hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường. Trong đó, 25 KCN được tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT theo dõi, giám sát. Định kỳ và đột xuất Ban Quản lý các KCN Đồng Nai phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải và đôn đốc các DN mới đi vào hoạt động đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của KCN nhằm hạn chế phát sinh nước thải ra môi trường.
Đối với khí thải, DN có phát sinh khí thải buộc phải thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường. Theo kết quả quan trắc không khí 6 tháng đầu năm tại 26 KCN, hầu hết các thông số đều đạt so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Có 3 KCN có thông số bụi vượt quy chuẩn từ 1-1,4 lần tại thời điểm đo là: Thạnh Phú, Nhơn Trạch và Lộc An - Bình Sơn và KCN Gò Dầu có thông số bụi PM10 vượt quy chuẩn.
Riêng với chất thải rắn, Sở TN-MT yêu cầu các DN phải đăng ký khối lượng chất thải rắn. Chất thải rắn thông thường được thu gom, phân loại tại DN sau đó xử lý theo 2 hình thức là hợp đồng với đơn vị có nhu cầu đối với chất thải còn giá trị thương mại hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải không còn giá trị thương mại. Đối với chất thải nguy hại, DN buộc phải thu gom, phân loại, lưu trữ và hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Sở TN-MT cho rằng, hiện nay đơn vị đang thực hiện giám sát các nguồn chất thải thông qua hệ thống quan trắc tự động và kiểm tra trực tiếp. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các DN, KCN ngày càng đi vào nề nếp, nhưng vẫn còn ít vụ việc vi phạm quy định về môi trường như trường hợp Công ty Bóng đèn Điện Quang.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải cho các KCN nhằm kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố môi trường. Một trong những điểm nhấn đó là nhiều năm nay Đồng Nai không thu hút đầu tư ồ ạt mà chọn lọc dự án sử dụng công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện kế hoạch sản xuất sạch hơn.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, lực lượng công an và UBND các huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường tại các DN, KCN nhằm ngăn ngừa, kiểm soát các nguy cơ có thể xảy ra. Trường hợp cố tình vi phạm về chôn lấp chất thải, xả nước và khí thải ra môi trường bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí lập hồ sơ truy tố.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, để hỗ trợ các DN làm ăn lâu dài, mỗi năm UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đều tổ chức gặp gỡ, lắng nghe và giải đáp các khó khăn, kiến nghị của nhà đầu tư. Trong phạm vi thẩm quyền, tỉnh tháo gỡ ngay; trường hợp ngoài thẩm quyền thì tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương hướng dẫn.
Hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các thông tư, nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực nên tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị triển khai quy định về khuyến khích tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn đến DN, đơn vị kinh doanh hạ tầng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.