(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 19/7, tại Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã có buổi họp quan trọng với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành hữu quan của tỉnh Kiên Giang.
Toàn cảnh cuộc họp
Tại buổi làm việc có ông Vũ văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đồng chủ trì cuộc họp.
Tỉnh Kiên Giang là vùng biên được xếp hạng là ngư trường trọng điểm của nghề cá cả nước. Bên cạnh đó, tổng số tàu cá hiện tại của tỉnh là 10.798 chiếc với tổng công suất 2.785.499CV, bình quân 258CV/tàu; tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 402 chiếc, tàu khai thác là 10.396 chiếc; là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác hải sản.
Ngành thủy sản Kiên Giang là một ngành kinh tế thủy sản tổng hợp cả trong đất liền, trên biển và hải đảo về các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Chính vì vậy, tỉnh đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo và nghề khai thác mang tính bền vững nguồn lợi thủy sản.
Liên quan đến tình hình tàu cá, ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, báo cáo với Đoàn công tác của Bộ, Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố ven biển và sự đồng thuận của ngư dân nên tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đã giảm rõ rệt. Trong 06 tháng đầu năm 2018, có 14 tàu cá và 129 ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó: Malaysia 06 tàu, 64 ngư dân; Thái Lan 01 tàu, 09 ngư dân; Campuchia 07 tàu, 56 ngư dân (so với cùng kỳ 06 tháng đầu năm 2017 giảm 17 tàu, 38 ngư dân).
Điểm đáng chú ý, khi thảo luận về hướng giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng – Tổng cục Thủy sản nhất trí với các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh, đồng thời đưa ra một số khuyến cáo, cụ thể: phải chỉ đạo quyết liệt chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt cá trái phép; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; tăng cường công tác xác nhận, chứng nhận, thống kê hàng cập cảng; kiện toàn tổ chức thanh tra, kiểm tra nghề cá; triển khai sâu rộng Luật Thủy sản năm 2017; có giải pháp căn cơ bảo tồn nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi ngành nghề kém thân thiện với môi trường; phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi biển để giảm gánh nặng khai thác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – ông Vũ Văn Tám cho biết: Kiên Giang là một trong 03 địa phương trong cả nước, với điều kiện và đặc thù riêng, được chọn làm điểm về thực thi Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Theo đó, những nội dung cần quan tâm nhất là: quản lý khai thác thủy sản và tàu cá; nuôi biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; và xây dựng lực lượng Kiểm ngư địa phương. Luật sẽ góp phần giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đồng thời giúp phát triển bền vững ngành Thủy sản. Cuộc họp đã tập trung thảo luận, phân tích những điểm mới của Luật và qua đó cũng hướng đến công tác chuẩn bị triển khai, thực hiện để Luật Thủy sản năm 2017 sớm đi vào cuộc sống.
Tại hội nghị, Tập đoàn thủy sản Minh Phú giới thiệu về Dự án khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh Kiên Giang. Về chủ trương, UBND tỉnh Kiên Giang rất ủng hộ việc đề xuất Dự án nói trên, đã nhiều lần làm việc với chủ Dự án và mới đây đã thành lập Hội đồng thẩm định Đề cương và dự toán chi tiết Dự án. Đến thời điểm này, chủ Dự án đang hoàn thiện Đề cương và dự toán chi tiết để thực hiện các bước tiếp theo. Dự án nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Minh Phú có tên “Khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh Kiên Giang”, sẽ được thực hiện tại vùng Tứ giác Long Xuyên gồm 3 địa phương: Thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành.
Đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm của Bộ NN&PTNT dành cho Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phạm Vũ Hồng chỉ ra quan điểm của tỉnh trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; qua cuộc họp, nhất trí với các khuyến cáo của các cơ quan hữu quan Trung ương về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu; đồng thời, chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan vận dụng các giải pháp đã quán triệt tại cuộc họp, quyết liệt ngăn chặn và chấm dứt việc tàu cá và ngư dân của tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cũng kiến nghị với Bộ phối hợp, hỗ trợ tỉnh Kiên Giang: Triển khai Luật Thủy sản năm 2017; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định; quy hoạch vùng đánh bắt, trong đó có xác định trữ lượng, sản lượng khai thác; quy hoạch ngành nghề đánh bắt theo hướng thân thiện với môi trường; kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; tập huấn khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng và quản lý chất lượng sau đánh bắt cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao.
Quốc Tuấn