Cụ thể, trong một báo cáo công bố ngày 1/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến khả năng xuất hiện các cơn bão lớn ngày càng tăng, mà còn liên quan đến sự gia tăng trực tiếp sức mạnh hủy diệt của chúng.
Có thể kể đến cơn bão nhiệt đới Freddy - kéo dài 36 ngày, gây thiệt hại về người và kinh tế ở Đông Nam châu Phi từ tháng 2 đến tháng 3/2023, tổ chức này cho rằng, đây là cơn bão dài nhất từng được ghi nhận. Mặc dù Tổ chức Khí tượng thế giới không chỉ ra mối liên hệ trực tiếp nào giữa “tuổi thọ” đặc biệt của Freddy với tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra, song theo tổ chức này, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các cơn bão hủy diệt.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, việc kiểm soát các hành động gây biến đổi khí hậu của con người có vai trò không nhỏ trong việc kiềm chế sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Điều này cũng đã được nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Hợp Quốc trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh trước đây.
Theo ông Antonio Guterres, không quốc gia nào có thể giải quyết khủng hoảng khí hậu một cách cô lập. Và Liên Hợp Quốc luôn nỗ lực hết mình, nỗ lực xây dựng lòng tin, tìm giải pháp và truyền cảm hứng cho sự hợp tác mà thế giới đang rất cần. Việc cùng nhau hợp tác sẽ giúp các quốc gia giành được chiến thắng, nhưng đã đến lúc cần phải hành động.
Các chuyên gia cho rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương hơn trước thảm họa thiên tai. Một khảo sát do Liên hợp quốc thực hiện với người dân ở 77 quốc gia, đại diện cho 87% dân số thế giới mới đây cho thấy, cứ 5 người được hỏi thì có 4 người muốn đất nước của họ tăng cường các cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy, biến đổi khí hậu giờ đã trở thành một vấn đề không của riêng ai.
Ở thời điểm hiện tại, “cơn ác mộng” mang tên biến đổi khí hậu đang tiếp tục phủ bóng đen tại 2 khu vực trên thế giới là Caribe và châu Âu, với những hệ quả nghiêm trọng của mưa lũ.
Nhiều nước châu Âu như Italia, Thụy Sỹ và Pháp đang phải hứng chịu những trận mưa lớn gây ngập lụt và lở đất nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Tính đến nay có khoảng chục người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương do thiên tai tại các nước này. Mưa lũ còn khiến mạng lưới điện hư hỏng, gây vỡ đập và thiệt hại đáng kể cho các khu đô thị xung quanh, cũng như làm cản trở quá trình cứu hộ, đặc biệt tại các thung lũng nằm sâu trong núi.
Trong khi đó, khu vực Caribe đang đối mặt với một cơn bão mang tên Beryl đang tiếp tục mạnh lên, đe dọa tàn phá các cộng đồng với lũ lụt, nước dâng và gió lốc có khả năng gây chết người. Cảnh báo bão đã được ban bố đối với các quốc đảo Barbados, Saint Lucia, Saint Vincent & Grenadines, Grenada, Tobago, Trinidad, Cộng hòa Dominica và Haiti.
Tại khu vực Đông Caribe, phần lớn các cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, người dân tích trữ thực phẩm và đổ xăng cho phương tiện đi lại khi cơn bão đang đến gần. Do tính nghiêm trọng của cơn bão, hôm qua, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Caribe đã nhất trí hoãn hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 47, dự kiến được tổ chức từ ngày 3-5/7 tại Grenada, để tập trung chuẩn bị ứng phó với cơn bão.