(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 18/9, tại hội trường chi nhánh VCCI Đà Nẵng ở số 26 đường Hồ Nguyên Trừng, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch ở Việt Nam”.
>>>Nghệ An: Xử lý tình trạng rác thải ở thủy điện Bản Vẽ
>>>Thủ tướng yêu cầu phải tái xuất phế liệu là rác thải vào Việt Nam
TS. Đỗ Cẩm Thơ , Phó Vụ trưởng – Vụ kế hoạch, Tài chính – Tổng cục du lịch trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.
Đến tham dự buổi tọa đàm có đàm có TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng – Vụ kế hoạch, Tài chính – Tổng cục du lịch, TS. Lương Minh Huân, Phó Viện Trưởng phụ trách Viện phát triển doanh nghiệp cùng với sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý ngành du lịch ở Đà Nẵng, các tiến sỹ, giảng viên thuộc khoa du lịch các trường đại học Huế, Đà Nẵng cùng các cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, du lịch …trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Buổi tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch ở Việt Nam” với các phần trình bày tham luận: “Chiến lược phát triển ngành Du lịch và chính sách tái cơ cấu ngành ở Việt Nam” của TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng – Vụ kế hoạch, Tài chính – Tổng cục du lịch; “Những chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng” của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng; “Tổng quan thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng” của TS. Trương Sĩ Quý, Trưởng khoa Du lịch thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
Kênh Phú Lộc Đà Nẵng
Theo TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng – Vụ kế hoạch, Tài chính – Tổng cục du lịch, năm 2017 với việc đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam đạt kỷ lục về mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm ( đạt gần 3 triệu lượt khách so với năm 2016), đứng đầu châu Á và xếp thứ 6 trong 10 nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới. Du lịch Việt Nam đã là một trong năm ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất đất nước, đóng góp hơn 20 tỷ USD/ năm. Chính vì vậy năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chỉ rõ: “ Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước”.
Theo tham luận “Những chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng” của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng: Thương hiệu du lịch Đà Nẵng ngày càng được thế giới biết đến. Liên tục trong 4 năm từ 2013 – 2017, Đà Nẵng được các tổ chức, tạp chí, trang thông tin điện tử uy tín của thế giới bình chọn các danh hiệu như điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á do tạp chí du lịch Smart travel Asia bình chọn, Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất trên thế giới năm 2015 do Tripadvisor bình chọn. Năm 2016, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng vinh dự nhận được danh hiệu “ Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” qua việc tổ chức những sự kiện văn hóa đặc sắc mang tầm quốc tế ở trong nước với tính độc đáo, đặc trưng và hấp dẫn thu hút du khách như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế từ 2008 đến nay, Cuộc thi Marathon quốc tế; Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race, Tuần lễ cao cấp APEC, Diễn đàn Quỹ môi trường Toàn Cầu 2017… Thông qua việc tổ chức các sự kiện quốc tế đã thu hút các nhà đầu tư, góp phần quảng bá hình ảnh đến với du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy trong 08 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 5, 85 triệu lượt , tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2017 trong đó khách quốc tế đạt 2,17 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 3,68 triệu lượt.
Tuy nhiên một vấn đề bức thiết đang đặt ra hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cống xã thải ra biển đã ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố.
Còn với TS Trương Sĩ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Đại học kinh tế – Đại học Đà Nẵng, thời gian qua Đà Nẵng là điểm đến có lượng khách đến tăng nhanh, điểm du lịch Đà Nẵng đã nổi lên như một hiện tượng, thu hút sự lựa chọn của du khách cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường các nước Đông Bắc Á ( với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc…). Tuy nhiên tài nguyên du lịch biển tại Đà Nẵng được khai thác quá nhanh, vượt khỏi khả năng chịu đựng được của cơ sở hạ tầng, kể cả hạ tầng giao thông và hệ thống xử lý nước thải ra biển. Nước xả thải với mùi hôi thối và đen đúa từ các khách sạn, các công ty, nhà máy… khi xả thải ra biển chưa qua xử lý đã làm ô nhiễm môi trường biển và điểm du lịch Đà Nẵng trở nên “xấu” trong mắt du khách và hình ảnh thành phố xanh sạch đẹp bị mất tính cạnh tranh trong tâm trí khách du lịch.
Chính vì vậy thành phố Đà Nẵng cần đầu tư nghiên cứu để xây dựng một điểm đến du lịch bền vững trong mắt du khách với tài nguyên du lịch biển và hình ảnh của một thành phố trẻ, năng động, sạch sẽ và an toàn; Hệ thống khách sạn, resort ven biển đẳng cấp,hệ thống homestay sạch sẽ, nhân viên lễ phép…
Hồng Sơn