Tội phạm không gian mạng là thách thức an ninh phi truyền thống

Phong Anh|22/08/2024 17:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đây là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Phó Thủ tướng Chính phủ (được Chính phủ ủy quyền) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Tội phạm không gian mạng là thách thức an ninh phi truyền thống

Nhấn mạnh tội phạm trên mạng đang ngày càng trở nên phức tạp và ác liệt, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng Chính phủ cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm mạng bài bản hơn, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn loại hình tội phạm này, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết quan điểm của Chính phủ trong việc tổ chức lực lượng để phòng, chống tội phạm trên mạng trong thời gian tới?

22-ltq.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao là thách thức an ninh phi truyền thống

Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đây là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các đặc điểm của loại tội phạm này là hoạt động không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao khiến việc phát hiện và xử lý trở nên rất khó khăn. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, hạn chế tình trạng lừa đảo; ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc giải quyết tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đột phá nêu trên có thể sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm…

Liên quan đến báo cáo xem xét, thông qua việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ thêm các số liệu về việc trình các dự án Luật. Cụ thể, năm 2021, trình đưa vào Chương trình ban đầu 10 dự án Luật, sau đó bổ sung 1 là thành 11 dự án Luật. Năm 2022, trình 11 dự án Luật, bổ sung thêm 13 dự án Luật, tức là lên 24. Năm 2023, trình ban đầu 14 dự án Luật, bổ sung thêm 12, tức là tăng lên 26. Năm 2024, trình ban đầu 16 dự án Luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì tăng lên 34 dự án Luật. Phó Thủ tướng cho rằng, với số liệu như vậy cho thấy số lượng thay đổi rất lớn; tuy nhiên các đề xuất, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với Kỳ họp.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, có 2 nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, khả năng nhận biết còn lúng túng. Do đó, Phó Thủ tướng đề xuất một số giải pháp khắc phục vấn đề này, trước hết là thực hiện chủ động hơn nữa kỷ luật, kỷ cương. Các Bộ trưởng phải chủ động trong công tác pháp chế. Đồng thời cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nếu không có thông tin, không có nguồn nhân lực đủ mạnh thì tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần có chế độ bồi dưỡng thêm… Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi, bổ sung pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, hiện các Bộ đã ban hành 11/15 văn bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT và các bộ ngành liên quan theo dõi sát từ ngày 1/8 một số luật có hiệu lực thi hành sớm hơn như thế nào.

Định giá tài sản không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp

Liên quan đến phí và lệ phí trong giám định, Phó Thủ tướng cho biết, hiện theo pháp lệnh về chi phí tố tụng đã trình UBTVQH, TANDTC là cơ quan chủ trì, và Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về nội dung này. Nếu UBTVQH xem xét, thông qua, quy định cụ thể về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được rõ hơn thì sẽ có cơ sở về mặt thể chế để xử lý.

22-ptt-ltl.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: không đưa việc định giá tài sản vào hoạt động bổ trợ tư pháp có nguyên nhân do lịch sử hình thành và do quan niệm

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai về những vướng mắc ở các địa phương trong công tác định giá tài sản trong các vụ án tố tụng hình sự khi mà khâu định giá trong tố tụng hình sự không được xếp vào hoạt động bổ trợ tư pháp, khi nào mới sửa đổ, bổ sung Nghị định số 30 năm 2018 để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 02 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau. Dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhóm thứ hai là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý thuế, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Kiểm toán độc lập và chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, lý do dẫn tới việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.

Lý giải việc định giá tài sản không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp, Phó Thủ tướng cho rằng trong đó có nguyên nhân do lịch sử hình thành và do quan niệm. Theo Phó Thủ tướng, nếu pháp luật chuyên ngành tiến hành đồng bộ, các cơ quan, tổ chức thực hiện tận tâm, ngay tình, việc có hay không đưa vào hoạt động bổ trợ tư pháp chỉ là một vấn đề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tội phạm không gian mạng là thách thức an ninh phi truyền thống